Thứ Sáu, 26/4/2024
Đánh giá kết quả phòng trừ châu chấu tre lưng vàng năm 2016
Gửi bài In bài

Trong những năm gầy đây, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, châu chấu tre lưng vàng thường xuyên xuất hiện và gây hại tre, mai, luồng. Ngoài ra, chúng còn di chuyển, gây hại lúa, ngô trên diện rộng tại huyện Đoan Hùng, Tam Nông và một số huyện khác, cụ thể: Năm 2014, tổng diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng là 150,6 ha, trong đó diện tích nhiễm trên đồi rừng, bờ cỏ là 120 ha, diện tích nhiễm trên ngô, lúa là 30,8 ha; năm 2015, tổng diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng là 115,9 ha, trong đó diện tích nhiễm trên đồi rừng, bờ cỏ là 92,4 ha, diện tích nhiễm trên ngô, lúa là 23,5 ha.

Xuất phát từ sự nguy hiểm của đối tượng dịch hại này, năm 2016, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã chủ động chỉ đạo công tác điều tra, giám sát tình hình châu chấu tre lưng vàng ngay từ cuối tháng 3, đến ngày 16/4/2016, đã phát hiện châu chấu nở tại xã Minh Tiến – huyện Đoan Hùng với mật độ trung bình 30 - 50 con/m2, cao 500 - 700 con/m2, cục bộ ổ 1.000 - 1.200 con/ổ, diện tích nhiễm 9 ha. Đến ngày 11/5/2016, Châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh gây hại tại 17 xã trên địa bàn 4 huyện gồm: Đoan Hùng (9 xã), Tam Nông (05 xã), Yên Lập (02 xã), Hạ Hòa (01 xã). Mật độ châu chấu non phổ biến 20 - 150 con/m2, cao 200 - 800 con/m2, cục bộ ổ 1.000 - 2.500 con/m2, cá biệt 3.000 - 5.000 con/m2 (Minh Tiến - Đoan Hùng); tổng diện tích nhiễm 83,19 ha, trong đó: trên rừng tre, luồng, bờ cỏ là 77,57 ha; trên lúa, ngô là 5,62 ha. Diện tích đã phòng trừ 83,19 ha. Như vậy năm 2016, do mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp, châu chấu nở muộn hơn khoảng 10 ngày so với năm 2015, thời gian châu chấu phát sinh gây hại kéo dài trong gần 01 tháng.

Trước diễn biến của châu chấu tre lưng vàng, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tích cực phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng trừ áp dụng các biện pháp thủ công và biện pháp hóa học. Khi những ổ nhỏ châu chấu mới nở, còn co cụm thì dùng vợt bắt thủ công đem tiêu hủy. Những ổ lớn và khi châu chấu bắt đầu phát tán gây hại lúa, ngô thì áp dụng biện pháp phun thuốc hóa học để tiêu diệt. Các địa phương đã tổ chức các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực ngay khi châu chấu mới phát sinh để tiêu diệt triệt để, không để châu chấu phát tán gây hại trên diện rộng rất khó kiểm soát; Sử dụng các loại thuốc có tính tiếp xúc, xông hơi mạnh ví dụ như: Victory 585EC, F16 600EC, Rockfos 550 EC, ... để phun phòng trừ theo đúng hướng dẫn trên vỏ bao bì đồng thời đảm bảo an toàn hiệu quả. Kết quả, 100% diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng đã được chỉ đạo phòng trừ hiệu quả.

Tổng kết chiến dịch phòng trừ châu chấu tre lưng vàng năm 2016 cho thấy, nhờ có sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, sự hợp tác tích cực của người dân địa phương, các hộ chủ rừng trong công tác điều tra phát hiện, thông tin, tuyên truyền và tổ chức phòng trừ nên các ổ châu chấu đều được phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, có hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre lưng vàng gây ra./.

K.s Bùi Việt Oanh

Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn