Thứ Bảy, 20/4/2024
SRI thật đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao
Gửi bài In bài
Nông dân Thụy Vân - Việt Trì cấy lúa theo SRI

Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (System of Rice Intenfisication - SRI) là tập hợp các biện pháp quản lý đất, quản lý dinh dưỡng và quản lý nước giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thích ứng với những điều kiện thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy năm 2012, SRI đã được nhận giải thưởng Bông lúa vàng do Bộ nông nghiệp và PTNT trao tặng.

Tại tỉnh Phú Thọ, SRI được áp dụng từ năm 2008 với diện tích mô hình nhỏ. Từ năm 2012 đến nay, hàng năm diện tích áp dụng đã vượt qua 25 ngàn ha, chiếm trên 30% diện tích đất trồng lúa của tỉnh, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất lúa, bảo vệ môi trường sinh thái. Áp dụng SRI là một hướng đi giúp người nông dân canh tác lúa một cách có hiệu quả, bền vững, tạo ra nông sản sạch phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Tùy theo điều kiện canh tác của địa phương mà người trồng lúa có thể áp dụng linh hoạt các nguyên tắc SRI vào sản suất, cụ thể như sau:

  Nguyên tắc thứ nhất là cấy mạ khỏe, mạ non: Gieo mạ thưa để cây mạ sinh trưởng khỏe, đanh dảnh, gieo 0,1 kg thóc/1m2 đất. Cấy khi tuổi mạ 2 - 2,5 lá và nên cấy mạ xúc, cấy nông tay để cây mạ không bị đứt rễ, nhanh hồi xanh, đẻ nhánh khỏe.

Nguyên tắc thứ hai là cấy thưa: Tùy chân đất, giống lúa và chế độ thâm canh mà chọn mật độ cấy cho hợp lý. Đất càng tốt, thâm canh càng cao, giống lúa sinh trưởng khỏe, cấy mạ non thì nên cấy mật độ thưa hơn và ngược lại. Mật độ cấy thích hợp 30 - 35 khóm/m2 (đối với lúa lai), 35 - 40 khóm/m2 (đối với lúa thuần). Cấy 1 - 2 dảnh/khóm, cấy vuông mắt sàng để cây lúa sinh trưởng khỏe, ruộng lúa thông thoáng.

Nguyên tắc thứ ba là làm cỏ kết hợp sục bùn: Tiến hành làm cỏ, sục bùn 1 - 3 lần trong khoảng thời gian 30 ngày đầu sau cấy, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Việc này sẽ giúp cho đất được thông khí, hạn chế cỏ dại và tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt hơn. Lần đầu được tiến hành ngay khi cây lúa hồi xanh, ra lá, rễ mới kết hợp với bón phân sớm thúc đẻ.

Nguyên tắc thứ tư  tưới và rút nước xen kẽ: Việc tưới và rút nước xen kẽ 3 - 4 lần trong vụ nhưng vẫn đảm bảo đất đủ ẩm sẽ kích thích rễ lúa ăn sâu, lan rộng, tạo cho cây có một bộ rễ khỏe, tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng, chống ngã đổ tốt. Để điều tiết nước trong ruộng thuận lợi nên chia ruộng thành các luống rộng khoảng 1,5 - 2m, tạo rãnh thoát nước rộng 25cm, sâu 10 - 20cm ở xung quanh ruộng và giữa các luống. Việc tạo rãnh này cũng giúp bà con dễ dàng chăm sóc lúa, kiểm tra mực nước trong ruộng và thu bắt ốc bươu vàng.

Nguyên tắc thứ năm là tăng cường sử dụng phân hữu cơ: Sử dụng phân hữu cơ hoai mục có tác dụng cải tạo và tăng độ phì cho đất rất tốt; làm cho đất không chỉ đơn thuần là giá thể cho cây bám vào mà còn là một thể sống với vô số vi sinh vật hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tăng cường khả năng hút dinh dưỡng và nâng cao khả năng chống chịu của cây lúa.

Các kết quả thực nghiệm trên địa bàn tỉnh cho thấy, ruộng làm theo SRI cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ lúa to, dài, thân cứng, khỏe, tăng khả năng hút nước, chống đổ và chống chịu sâu bệnh tạo cơ sở cho năng suất cao sau này. So với tập quán canh tác lúa truyền thống, áp dụng SRI làm giảm 40 - 50% lượng giống (SRI sử dụng 0,6 - 0,7 kg thóc giống/sào), giảm trung bình 2 lần phun thuốc BVTV/vụ, giảm nước tưới 2 lần/vụ, năng suất tăng 7 - 15% tương đương 15 - 30 kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5 - 10 triệu đồng/ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái đồng ruộng và tạo nên một hệ thống canh tác lúa bền vững, hài hòa, thân thiện với người nông dân./.

 

Ths. Trần Thái Ninh

         (Chi cục Bảo vệ thực vật)

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn