Thứ Bảy, 27/4/2024
Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối
Gửi bài In bài
Vùng sản xuất ngô sinh khối NK7328 quy mô 20 ha vụ Xuân năm 2022 tại khu 14, xã Hiền Lương, Hạ Hoà

Phú Thọ là một trong những tỉnh vùng Trung du miền núi phía bắc có đàn gia súc khá phát triển, cùng với việc phát triển đàn trâu, bò chất lượng cao thì nhu cầu sử dụng thức ăn thô xanh cho đàn gia súc là rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu thức ăn xanh cho chăn nuôi trâu, bò một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô lấy thân làm thức ăn cho gia súc (ngô sinh khối) hoặc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tổ chức lại sản xuất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Từ năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối theo hình thức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để chế biến, xuất khẩu. Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết, thu mua sản phẩm ở các địa phương như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Giống và TACN T&T 159 Hòa Bình, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hương Hà (Tuyên Quang). Năm 2020, diện tích trồng ngô sinh khối đạt trên 500 ha, năm 2021 đã mở rộng diện tích trên 800 ha (Thanh Thuỷ 320 ha, Hạ Hoà 210 ha…). Theo tính toán, 1 ha ngô lấy thân lá được canh tác trong khoảng thời gian 75-80 ngày cho năng suất 45 -50 tấn/ha/vụ, với giá bán trung bình 0,8 triệu đồng/tấn, nông dân thu về khoảng 35 - 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ, so với sản xuất ngô hạt truyền thống trồng ngô sinh khối cho tổng thu cao hơn 12 triệu đồng/ha. Ngô sinh khối trồng được 03 vụ/năm, trong đó vụ đông là vụ có tiềm năng mở rộng diện tích do có quỹ đất phát triển, đặc biệt trên đất lúa 2 vụ và nhu cầu thức ăn thô xanh dự trữ cho gia súc trong mùa đông.

Một số mô hình điển hình liên kết trồng ngô sinh khối gắn với tiêu thụ sản phẩm: Công ty TNHH TMDV nông nghiệp Minh Anh, xã Bằng Giã, liên kết với 06 hộ tham gia trồng ngô sinh khối phục vụ cho trại chăn nuôi bò của công ty;  Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Vô Tranh, xã Vô Tranh, huyện Hạ Hoà có 7 hộ tham gia, hợp tác xã chuyên thu mua ngô sinh khối với sản lượng 35.000 - 40.000 tấn ngô/năm (tương đương 1000 ha). Năm 2022, là năm đầu tiên Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm Thao, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao và Công ty Greenlife Việt Nam liên kết sản xuất ngô sinh khối với quy mô 07 ha, cho thu nhập trên 1 ha 66 triệu đồng, lợi nhuận thu được 40 triệu đồng/ha (công ty Greenlife Việt Nam thu mua toàn bộ sản lượng cây ngô với giá 1,2 triệu đồng/tấn, ủ chua làm thức năm chăn nuôi, đóng bánh, đóng gói và xuất khẩu 100% sang Nhật Bản). Công ty Greenlife Việt Nam sản xuất thức ăn chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, nhu cầu thu mua lớn, không giới hạn sản lượng.

Tuy nhiên, diện tích ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh chưa mở rộng nhiều do việc hợp đồng liên kết đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngô sinh khối giữa các doanh nghiệp và nông dân còn gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất được giá cả, phương thức thu mua, vận chuyển, thanh toán…. Phần lớn người dân trồng ngô sinh khối đều ở quy mô hộ, đa số nông dân mới chỉ trồng ngô để thu hoạch ngô hạt, nếu ngô hạt không được giá thì mới chuyển sang bán cho các đơn vị chăn nuôi làm sinh khối. Nông dân hiện nay nhiều nơi mặc dù bỏ ruộng hoang, nhưng họ lại không muốn cho người khác mượn ruộng, thuê ruộng đây là nút thắt rất khó giải quyết để đẩy mạnh sản xuất ngô sinh khối vì vậy để hình thành vùng trồng tập trung đưa cơ giới hóa vào sản xuất khó khăn.

Tỉnh Phú Thọ có tiềm năng rất lớn để phát triển liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngô sinh khối. Với diện tích khoảng 16 - 17 nghìn ha ngô hằng năm có thể chuyển sang liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, trong đó diện tích đất để sản xuất ngô Đông khoảng 8 - 10 ngàn ha. Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, tập trung, vụ Đông năm 2022 tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch phát triển sản xuất cây ngô sinh khối với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vừng, từng địa phương; mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối toàn tỉnh đạt trên 1,4 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha, sản lượng đạt trên 70 nghìn tấn, giá trị thu nhập ước đạt trên 56 tỷ đồng.

Để triển khai kế hoạch sản xuất ngô sinh khối vụ đông năm 2022 đạt kết quả tốt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả sản xuất ngô sinh khối và các nội dung, hình thức hợp tác liên kết sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế, giá thu mua ngô sinh khối của Công ty cổ phần Giống và TACN T&T 159 Hòa Bình, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hương Hà, Công ty Greenlife Việt Nam… đến các xã, phường, thị trấn, người sản xuất để biết, triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp cần sớm tổ chức các hội nghị kết nối, liên kết sản xuất - tiêu thụ với các hộ sản xuất, HTX  để thống nhất, ký kết hợp đồng, xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức sản xuất, thu mua ngô sinh khối đảm bảo vận hành đồng bộ, hài hòa lợi ích các bên nhằm tạo lập và duy trì các liên kết bền vững cho các năm sau. Các HTX nông nghiệp Lâm Thao, HTX nông nghiệp và dịch vụ Vô Tranh.... phát huy vai trò đầu mối trong việc thu gom, vận chuyển ngô sinh khối tại các vùng liên kết trên địa bàn tỉnh về nơi tập kết, chế biến của doanh nghiệp. Người sản xuất quan tâm, lựa chọn các giống ngô: NK7328, CP512, NK4300 Bt, DK6919s, DK9955s đã được khẳng định qua các vụ trên địa bàn tỉnh để có năng suất sinh khối cao. Đưa cơ giới hóa vào một số khâu sản xuất ngô (làm đất, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch...) nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch. Sử dụng phân bón cân đối, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi...) góp phần giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón hoá học tăng cao; chú ý phòng trừ các đối tượng sâu keo mùa thu, sâu đục thân, khô vằn, đốm lá, … để cây phát triển thân lá tốt. Sau trồng từ 75-80 ngày, khi cây ngô đang trong giai đoạn chín sáp là thời điểm năng suất sinh khối đạt cao nhất tiến hành thu hoạch, cần phối hợp và tuân thủ các yêu cầu của bên thu mua để đảm bảo năng suất, chất lượng ngô sinh khối, giá bán cao.

Với những lợi ích từ cây ngô sinh khối đem lại, nhất là việc liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp, triển vọng phát triển cây ngô sinh khối trong tỉnh là rất lớn, mở ra hướng phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân./.

                                                                                                                    Ths. Nguyễn Khắc Học

                                                                                                                 Chi cục Trồng trọt &BVTV


Ảnh: Vùng sản xuất ngô sinh khối NK7328 quy mô 20 ha vụ Xuân năm 2022 tại khu 14, xã Hiền Lương, Hạ Hoà

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn