Thứ Sáu, 26/4/2024
Đánh giá kết quả sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2019, Nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch sản xuất vụ Chiêm Xuân năm 2019 - 2020
Gửi bài In bài
Lãnh đạo chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra sản xuất vụ Đông tại Thanh Thủy

Sản xuất vụ Mùa, vụ Đông 2019 còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng; giá giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động vẫn ở mức cao trong khi giá nông sản không tăng làm giảm hiệu quả sản xuất và hạn chế khả năng đầu tư thâm canh; một bộ phận nông dân không thiết tha với sản xuất vụ Mùa, tình trạng bỏ vụ diễn ra ở nhiều địa phương; dịch bệnh tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…Số doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, cá nhân đầu tư sản xuất lớn, tập trung, công nghệ cao, sản xuất an toàn, liên kết sản xuất theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn hạn chế. Mặc dù vậy, vụ Mùa, vụ Đông năm 2019 tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với lợi thế vùng. Cơ cấu giống lúa thay đổi theo hướng duy trì diện tích lúa lai ở những chân đất phù hợp, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao theo nhu cầu thị trường. Một số tiến bộ kỹ thuật mới tiếp tục được ứng dụng trong sản xuất, chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, Trung ương sau thiên tai năm 2018 đã tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn. Dó đó, sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2019 đã đạt được những kết quả quan trọng.

Về sản xuất vụ Mùa 2019:

* Cây lúa: Tổng diện tích gieo cấy lúa 25,17 nghìn ha, đạt 85,3% KH và giảm 2,4 nghìn ha so với cùng kỳ; diện tích áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) đạt 11,7 nghìn ha (trong đó diện tích SRI toàn phần 1.265 ha); diện tích lúa gieo thẳng 2,47 nghìn ha.

- Cơ cấu giống: Diện tích lúa lai 10.070 ha chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy (Nhị ưu 838 chiếm 15,8%, Nhị ưu số 7 chiếm 10,8%....). Diện tích lúa chất lượng cao 9.712 ha chiếm 38,6% tổng diện tích gieo cấy (Thiên ưu 8 chiếm 11,7%, HT1 chiếm 7,1%, TBR 225 chiếm 4,5%,  J01 chiếm 2,9%, Nếp 97 chiếm 1,5%, J02 chiếm 1,3%,…).

- Năng suất, sản lượng: Năng suất trung bình đạt khoảng 51,5 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 129,7 nghìn tấn. Một số địa phương ước đạt năng suất cao như Lâm Thao, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Tân Sơn. .. vụ Mùa 2019 là vụ được mùa.

* Cây ngô: Diện tích 4.365 ha đạt 104,7% kế hoạch; năng suất đạt 47 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so cùng kỳ; sản lượng đạt 20,4 nghìn tấn.

* Các cây trồng màu:

- Diện tích rau các loại 4.265 ha, năng suất đạt 148,5 tạ/ha, sản lượng đạt 63,4 nghìn tấn tăng 3,7 nghìn tấn so cùng kỳ năm trước.

- Diện tích lạc 723,8 ha, năng suất đạt 18,9 tạ/ha, sản lượng đạt 1,3 nghìn tấn.

- Cây sắn diện tích đạt 6,5 nghìn ha.

* Cây Bưởi:

Năm 2019, tổng diện tích bưởi toàn tỉnh đạt 4,33 nghìn ha (diện tích cho sản phẩm 2,76 nghìn ha), trong đó diện tích trồng mới 350 ha (bưởi Diễn 292 ha, bưởi Đoan Hùng 20 ha, bưởi khác 38 ha), đạt 62,5% kế hoạch. Tổng sản lượng bưởi ước đạt 32,6 nghìn tấn, trong đó bưởi đặc sản Đoan Hùng đạt 13,75 nghìn tấn (với 1,1 nghìn ha cho sản phẩm và năng suất 125 tạ/ha), bưởi Diễn đạt 17,4 nghìn tấn (với 1,5 nghìn ha cho sản phẩm và năng suất 115,2 tạ/ha).

* Cây chè:

Tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện có 16 nghìn ha, đạt 97% so với kế hoạch đến năm 2020 (16,5 nghìn ha); diện tích cho sản phẩm 15,68 nghìn ha, đạt 98% so với kế hoạch; ước năng suất 116,7 tạ/ha, đạt 106% so với kế hoạch; sản lượng chè búp tươi 183 nghìn tấn, đạt 103,9% so với kế hoạch. Tỷ lệ cơ cấu diện tích các giống chè mới đạt 75,3%, bằng 93,8% so với kế hoạch đến năm 2020, trong đó cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh (26%), giống phục vụ chế biến chè đen (49,3%), còn lại là các giống chè trung du chiếm 24,7% nằm rải rác trong các hộ dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè.

* Một số mô hình sản xuất điển hình trong vụ Mùa 2019:

- Xây dựng mô hình cánh đồng một giống: Năm 2019 diện tích liên kết sản xuất lúa chất lượng cao có quy mô diện tích liền vùng từ 10 ha trở lên, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật đạt 8,9 nghìn ha, trong đó vụ Chiêm xuân đạt 6,97 ngàn ha, vụ Mùa đạt 1,89 ngàn ha.

- Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao J02 quy mô 100 ha tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật: Canh tác lúa tổng hợp ICM, áp dụng công nghệ 4.0 phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, sức khỏe người dân được nâng cao, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn gốc thuốc được kiểm soát, bảo đảm an toàn chất lượng lúa gạo.

- Mô hình trồng măng tây của HTX nông nghiệp Sông Đà (Hồng Đà - Tam Nông) và hộ dân xã Hùng Lô (Việt Trì) với diện tích 2,5 ha, năng suất 10 tấn/ha/năm, thu nhập từ 600 - 900 triệu đồng/năm.

- Mô hình sản xuất chuối tây với diện tích 54 ha tại huyện Tam Nông, được chuyển đổi từ đất bãi trồng ngô và đất lúa, sản lượng đạt 35 – 40 tấn/ha, thu nhập 300 - 320 triệu/ha.

* Đánh giá chung:

- Tích cực: Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động, tập trung cho công tác chỉ đạo sản xuất: Chỉ đạo lịch thời vụ, cơ cấu giống; đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy trà mùa sớm để kịp thu hoạch trồng ngô đông và các cây vụ đông ưa ấm; tích cực triển khai mở rộng mô hình cánh đồng trồng lúa chất lượng cao cùng giống; làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa. Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh; tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo sản xuất giữa ngành nông nghiệp và các địa phương. Từ đó, sản xuất vụ Mùa 2019 đã đạt một số kết quả quan trọng, một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang các cây trồng có hiệu quả cao hơn; diện tích gieo trồng ngô, rau xanh các loại vượt kế hoạch; năng suất lúa, rau, chè, bưởi cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

- Hạn chế:

            Sản lượng lương thực không đạt kế hoạch đề ra và giảm so cùng kỳ, nguyên nhân do diện tích gieo cấy lúa không đạt kế hoạch. Công tác chỉ đạo gieo cấy ở một số nơi chưa sát sao, quyết liệt, tình trạng nông dân bỏ không gieo cấy lúa vụ Mùa diễn ra ở nhiều địa phương (Thanh Thủy, Phù Ninh, Việt Trì, Lâm Thao, …). Một bộ phận nông dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…

 

 Ảnh: Lãnh đạo chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra sản xuất vụ Đông tại Thanh Thủy

 Về sản xuất vụ Đông 2019:

* Cây ngô: Diện tích ngô đã gieo trồng 6.917 ha/7.000 ha KH, đạt 98,8% KH, giảm 162,3 ha so vụ Đông năm 2018; một số địa phương diện tích gieo trồng đạt kế hoạch: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phù Ninh, Yên Lập. Các huyện diện tích gieo trồng ngô đạt thấp so với kế hoạch: Lâm Thao đạt 59% KH, TX. Phú Thọ 82,8% KH,... Nhìn chung, cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt; hiện đang giai đoạn xoáy nõn - trỗ cờ, phun râu.

* Cây rau các loại: Diện tích đạt 5.262 ha/5.490 ha KH đạt 95,8% KH, hiện sinh trưởng, phát triển tốt.

* Về triển khai mô hình:

- Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm: Liên kết sản xuất ớt quả thương phẩm với diện tích 10,5 ha tại 2 xã Thượng Nông (7 ha), Hương Nộn 3,5 ha với công ty TNHH ớt Việt Nam; liên kết sản xuất ớt, dưa chuột diện tích 9 ha tại xã Xuân Quang - Tam Nông với Công ty TNHH Việt Châu; liên kết sản xuất trồng ngô sinh khối diện tích 10 ha tại xã Xuân Quang - Tam Nông với Công ty TNHH Minh Anh Hà Nội. Liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa HTX rau an toàn Đỗ Xuyên - Thanh Ba với Công ty CP thực phẩm xuất khẩu GOC; Công ty Pacific Hòa Bình 2 ha ớt, 7 ha cà chua, 20 ha dưa chuột Nhật. Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau quả với Công ty TNHH chế biến thực phẩm GOC, quy mô 13,5 ha, trồng ớt tại các xã Đồng Cam 6 ha, Thụy Liễu 3,5 ha, Tình Cương 4 ha.

- Mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà lưới với diện tích 2.000 m2 tại xã Mai Tùng - Hạ Hòa để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Trồng dưa lưới, dưa chuột; nhà lưới 1.000 m2 tại xã Đồng Cam - Cẩm Khê trồng dưa hấu Đài Loan, dưa chuột Maya Ixaren,…

- Mô hình chuỗi liên kết sản xuất dưa chuột Nhật với Công ty CP thực phẩm GOC quy mô diện tích 25 ha tại xã Vĩnh Chân; mô hình xây dựng thương hiệu và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm bí xanh xã Văn Lang quy mô diện tích 30 ha, cam V2 xã Y Sơn - Hạ Hòa quy mô diện tích 4 ha tạo ra sản phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận cho nông dân.

* Đánh giá chung:

Nhìn chung các cây trồng vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, cơ cấu cây trồng vụ Đông tiếp tục chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt các loại rau, củ quả chất lượng, có giá trị kinh tế cao; hình thành một số vùng sản xuất mang tính hàng hóa. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác chỉ đạo sản xuất vụ Đông một số nơi chưa quyết liệt. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thiếu và lạc hậu; lượng cung không ổn định, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã được chú trọng, song còn hạn chế và thiếu ổn định. Tình trạng một bộ phận nông dân không thiết tha với đồng ruộng nhưng không cho thuê, mà bỏ đất trống còn phổ biến do đó khó khăn cho việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

 

 Ảnh: Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra mô hình tròng bưởi Diễn tại Vân Đồn (Đoan Hùng)

 Về nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất vụ Chiêm Xuân 2019 - 2020:

* Định hướng, quan điểm chỉ đạo: Vụ Chiêm xuân là vụ lúa chủ lực trong năm quyết định tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2020, vì vậy cần tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Kế hoạch sản xuất vụ Chiêm xuân 2019 - 2020 phải gắn với kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông để tạo thành chuỗi luân canh hợp lý, vụ trước tạo điều kiện cho sản xuất ở vụ sau trong tổng thể kế hoạch năm. Chỉ đạo hình thành các vùng sản xuất hàng hóa trong đó tập trung vào một số cây trồng chủ lực của tỉnh: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, chè, bưởi. Rà soát diện tích lúa cao hạn không chủ động nước tưới dưỡng cả vụ, chuyển sang trồng các cây trồng màu, cây ăn quả, cây chuối…

* Một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất:

- Cây lúa: Diện tích gieo cấy 36.150 ha, trong đó diện tích lúa lai 13.750 ha, lúa chất lượng cao 18.500 ha. Năng suất 61 tạ/ha; sản lượng 220,7 nghìn tấn.

- Cây ngô: Diện tích gieo trồng 5.520 ha, năng suất 50,1 tạ/ha, sản lượng 27,7 nghìn tấn.

- Rau các loại: Diện tích gieo trồng 4.660 ha, năng suất 156,2 tạ/ha, sản lượng 72,7 nghìn tấn.

- Cây sắn: Diện tích 6.500 ha, năng suất 150,1 tạ/ha, sản lượng 97,5 nghìn tấn.

- Cây chè:  Duy trì diện tích chè 15,9 nghìn ha, năng suất 117,6 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi cả năm đạt 184,9 nghìn tấn.

- Cây ăn quả: Trồng mới 640 ha bưởi (trong đó bưởi Đoan Hùng 80 ha, bưởi Diễn 530 ha, bưởi khác 30 ha), diện tích bưởi thực hiện quy trình theo VietGAP 1.000 ha; phấn đấu sản lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn đạt trên 34 nghìn tấn.

* Nhiệm vụ và giải pháp:

- Về công tác chỉ đạo: Các địa phương cần bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt phù hợp với thực tế. Tăng cường phối hợp giữa các phòng, đơn vị của Sở Nông nghiệp và PTNT với các phòng, đơn vị chuyên môn của các huyện, thành, thị, các tổ chức đoàn thể tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch sản xuất vụ Chiêm xuân 2019 - 2020. Chỉ đạo mở rộng diện tích lúa chất lượng cao (chủ lực là các giống lúa Japonica J01, J02 đạt 10.000 ha), kết hợp chặt chẽ công tác chỉ đạo cấp nước với chỉ đạo thực hiện cơ cấu các trà và thời vụ gieo, cấy lúa Chiêm Xuân, kiên quyết thực hiện gieo mạ đúng khung lịch thời vụ của tỉnh.

- Về kỹ thuật: Xác định cơ cấu các trà lúa và thời vụ gieo: Xuân sớm (khoảng dưới 2% diện tích): Gieo cấy trên diện tích đất trũng, sử dụng các giống X21, Xi23 và các giống nếp địa phương để gieo cấy. Xuân muộn: Trên cơ sở thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi, cụ thể: Trà 1 (khoảng 46% diện tích):  Gieo cấy trên chân vàn thấp , ngập lũ tiểu mãn (diện tích toàn tỉnh 6,1 nghìn ha) sử dụng các giống lúa lai: Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7... để sau khi thu hoạch làm thêm một vụ lúa chét; đối với chân đất vàn: Sử dụng giống lúa Japonica J02 (khoảng 10 nghìn ha) và giống lúa BC15 mới (kháng đạo ôn). Trà 2 (khoảng 52% diện tích): Gieo cấy trên chân đất vàn, vàn cao bằng các giống lúa lai, lúa thuần, lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn. Về cơ cấu giống: Duy trì diện tích lúa lai chiếm khoảng 38%, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao khoảng 51,2% diện tích gieo cấy, chân ruộng sâu trũng khuyến cáo sử dụng các giống lúa lai. Tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng một giống sử dụng các giống lúa chất lượng cao (J01, J02, TBR225, Thiên ưu 8…); mở rộng diện tích thâm canh lúa cải tiến SRI, làm mạ khay; ưu tiên sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân bón qua lá, phân hữu cơ. Đối với cây chè: Duy trì diện tích chè hiện có; rà soát, xác định cụ thể diện tích chè cằn xấu năng suất thấp để trồng thay thế bằng các giống chè mới năng suất, chất lượng cao theo vùng tập trung. Đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích các Doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu, sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng, ATTP, gắn nhãn mác truy xuất nguồn gốc, giới thiệu, quảng bá thương hiệu chè Phú Thọ. Đối với cây bưởi: Trên cơ sở Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019, Kế hoạch phát triển cây bưởi rà soát, xác định cụ thể diện tích, địa điểm, khai thác tối đa tiềm năng đất đai trên cơ sở quỹ đất nông lâm trường sau thu hồi, cải tạo đất vườn tạp, đát trồng sắn, đất cao hạn kém hiệu quả,…chỉ đạo trồng mới bưởi Diễn, bưởi đặc sản Đoan Hùng và các giống bưởi mới tiềm năng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung chủ yếu tại 6 huyện trọng điểm (Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh). Chỉ đạo tập trung chăm sóc thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã quả nâng cao giá trị bưởi quả; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích việc dán tem nhãn, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để giữ vững và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng.

- Về liên kết sản xuất: Xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao Japonica (J02); liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối của các hộ trồng chuối xã Mai Tùng, Vụ Cầu, Liên Phương -  Hạ Hòa,  Phương Xá, Sai Nga, Sơn Nga - Cẩm Khê. Liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chè xanh chất lượng cao...

- Về công tác dịch vụ, quản lý nhà nước: Chủ động liên hệ, ký hợp đồng với các Công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng để đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chất lượng, chủng loại giống và kịp thời vụ. Đẩy mạnh hình thức liên kết bán thuốc BVTV, bán phân bón chậm trả; làm tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo, thông báo tình hình sâu bệnh và chỉ đạo phòng trừ kịp thời, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Chủ động xây dựng các phương án cấp, dẫn nước, đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản xuất; đồng thời chuẩn bị các phương án khắc phục hạn hán, ngập úng, có thể xảy ra. Giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ Chiêm xuân cụ thể đến các xã; gắn trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, thuốc BVTV, phân bón. Tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất, nhất là cao điểm cung ứng giống, phân bón đầu vụ từ khoảng 15/12/2019 - 25/01/2020. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng và phát huy hiệu quả chính sách./.                                           

                                                     Phan Văn Đạo

                                                           Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn