Thứ Sáu, 26/4/2024
Kết quả triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè gắn với thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại Mỹ Thuận, Tân Sơn
Gửi bài In bài
Mô hình IPM trên chè gắn với thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Mỹ Thuận – huyện Tân sơn

Năm 2017, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên chè gắn với thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, bước đầu đã dần thay đổi tập quán sản xuất của nông dân nơi đây.

Mô hình IPM được triển khai với quy mô 2ha, giống LDP1, 16 năm tuổi tại xóm Mu Vố, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn. Dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV, các chủ nương chè đã áp dụng triệt để các nguyên tắc IPM như bón phân cân đối để cây chè sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển, đồng thời quản lý sâu bệnh theo kết quả điều tra và phân tích hệ sinh thái, khi sử dụng thuốc BVTV thì đảm bảo nguyên tắc 4 đúng để bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè búp tươi.

Bà Đinh Thị Hiền, hộ nông dân tham gia mô hình phấn khởi cho biết: "Từ khi triển khai mô hình, áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn, nương chè nhà tôi sinh trưởng phát triển tốt hơn, bộ tán khỏe, búp nhiều, tình hình sâu bệnh cũng nhẹ hơn so với mọi năm. Thường thường mọi năm, bình quân chúng tôi phun khoảng 3 - 4 lần thuốc BVTV một lứa chè, năm nay, chúng tôi chỉ phải phun 2 - 3 lần thuốc BVTV một lứa, có lứa chỉ phải phun 1 lần, tính ra cả năm giảm được 6 - 7 lần phun thuốc, tiết kiệm rất nhiều chi phí. Hơn nữa, giá chè năm nay ổn định, cao hơn năm ngoái, các diện tích chúng tôi áp dụng IPM lại cao hơn đại trà từ 200 – 500 đồng/kg, lãi cao hơn hẳn".

Thực tế cho thấy, mô hình IPM trên chè đã cho năng suất cao, chất lượng tốt: Năng suất chè mô hình đạt gần 22 tấn/ha/năm, cao hơn tập quán gần 2 tấn/ha/năm; giá chè trong mô hình đạt bình quân 4.200 đồng/kg, hiệu quả kinh tế đạt 44 triệu đồng/ha/năm, cao hơn tập quán hơn 8 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với việc triển khai mô hình IPM trên chè, Chi cục Bảo vệ thực vật cùng với UBND xã Mỹ Thuận xây dựng 10 bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đặt tại 8 khu dân cư đảm bảo quy cách thiết kế, đồng thời tuyên truyền đến bà con nông dân thông qua các cuộc họp khu để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về công tác thu gom bao gói thuốc BVTV cũng như việc bảo vệ và sử dụng bể đúng mục đích, bảo vệ môi trường. Sau gần 1 năm triển khai mô hình thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng, đến nay trên những khu vực có bể chứa không còn tình trạng người dân vứt vỏ bao bì bừa bãi, 100% được thu gom vào trong bể chứa. Ý thức của người dân được nâng cao, nhằm góp phần đảm bảo giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Kết quả mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM và xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Mỹ Thuận đã tạo được hiệu ứng tốt để các xã trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh diện tích áp dụng IPM và thực hiện Kế hoạch 763-KH/UBND ngày 15/9/2017 của UBND huyện Tân Sơn về Phát động phong trào toàn dân tham gia thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV giai đoạn 2017 - 2020./.

Th.s Lê Hồng Thiết

Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn