Thứ Hai, 29/4/2024
Cảnh giác với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa
Gửi bài In bài

Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là 2 loại bệnh nguy hiểm, đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa ở Nam bộ trong năm 2006 và cho đến nay vẫn là bệnh trên lúa đáng lo ngại nhất ở vùng này. Trong năm 2009, bệnh đã bộc phát lần đầu tiên ở phía Bắc và gây hại nghiêm trọng trên lúa hè thu và lúa mùa tại tỉnh Nghệ An. Để nhận biết và chủ động phòng trừ, chúng tôi xin giới thiệu về bệnh như sau:

+ Bệnh vàng lùn (Virus lúa cỏ) do vi rút có tên Rice Grassy Stunt Virus gây ra; bệnh làm cho cây lúa lùn, chiều cao cây không đồng đều trên cùng ruộng, mọc nhiều chồi; lá xoè ngang, ngắn, nhỏ, cứng, xanh vàng hoặc da cam, trên lá có nhiều đốm gỉ sắt, sau đó chuyển nhanh sang màu vàng khô lụi từng đám lúa hoặc cả ruộng; rễ phát triển bình thường. Nếu bệnh phát sinh muộn lúa trỗ bị nghẹn đòng.

+ Bệnh lùn xoắn lá do vi rút có tên Rice Ragged Stunt Virus gây ra; làm cây lúa bị lùn, màu lá xanh đậm, rìa lá bị rách và gợn sóng, dọc theo gân lá có bướu; chóp lá bị biến dạng, xoăn tít; lúa không trỗ được hoặc bị nghẹn đòng, hạt lép.

    Trên ruộng thường xuất hiện cùng lúc 2 loại bệnh trên, có khi xuất hiện cùng lúc trên cùng một khóm lúa, bệnh lây truyền qua môi giới là con rầy nâu chích hút cây lúa bị bệnh từ ruộng này sang ruộng khác. Cây lúa càng non càng dễ bị nhiễm bệnh và tác hại càng lớn; đặc biệt, lúa, mạ trước 20 ngày sau gieo, sạ bị nhiễm bệnh thì cây lúa có thể không trỗ bông được, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng. Trong vụ hè thu, vụ mùa 2009, tỉnh Nghệ An bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại 5.507 ha lúa, trong đó có 3.510 ha bị mất trắng. Một số tỉnh cũng có diện tích lúa mùa có triệu chứng tương tự như: Thái Bình, diện tích nhiễm 400 ha, trong đó 160 ha mất trắng và Nam Định, diện tích nhiễm 190,8 ha, trong đó 2,2 ha bị bệnh nặng. Hiện nay, bệnh vẫn đang có chiều hướng gia tăng, gây hại trên các trà lúa mùa muộn của các tỉnh này.

    Đây là bệnh nguy hiểm trên lúa và không có thuốc đặc trị, có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, do rầy nâu có tập tính di trú, chúng di chuyển theo chiều gió.Với trọng lượng cơ thể 2mg, chúng có thể bay với tốc độ 0,2m/giây, bay liên tục 30-48 giờ, bay xa 350-600 km trong một đêm ( Có khả năng bay 1000 km từ nam Trung Quốc, vượt qua biển Nhật Bản theo gió Tây nam). Nếu các cá thể rầy nâu trưởng thành mang vi rút bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá mà chúng di chuyển đến vùng khác trích hút vào cây lúa ở vùng đó, cây lúa sẽ bị bệnh ngay. Thời gian vòng đời của rầy nâu là 28-32 ngày, một rầy cái trưởng thành có thể đẻ 400-600 trứng, như vậy hệ số nhân rất cao; Ấu trùng rầy nâu truyền bệnh mạnh hơn và ủ bệnh ngắn hơn rầy nâu trưởng thành. Mặt khác, Viruts vàng lùn, lùn xoắn lá không những có ở cây lúa bị bệnh sau gieo cấy, mà nó còn tồn dư trên lúa rại, lúa chét, nơi di trú của rầy nâu chuyển vụ. Nếu vùng nào có bệnh mà không sử lý phòng trừ rầy nâu triệt để, tiêu huỷ lúa, gốc rạ, lúa chét hoặc cây cỏ mang nguồn bệnh thì nguy cơ vụ tiếp theo sẽ bùng phát bệnh trên diện rộng và lây nhiễm các vùng lân cận, rất khó kiểm soát.

    Phú  Thọ là tỉnh có nguy cơ lây nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa rất cao vì: Hiện nay, toàn tỉnh còn trên 850 ha lúa mùa muộn đang đẻ nhánh- trỗ, trong đó có nhiều diện tích nhiễm rầy nâu và theo kết quả giám định Virut trên lúa tại Việt Nam của đoàn Chuyên gia IRRI và PPD tháng 8/2007 thì các tỉnh: Hà Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đã xuất hiện Virut lùn xoắn lá lúa (RRSV) có vị trí rất gần tỉnh Phú Thọ.

    Để cảnh giác và chủ động phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, trước mắt cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân thấy rõ nguy cơ và tác hại của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Các địa phương còn diện tích lúa mùa muộn cần kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện bệnh cần báo cơ quan chuyên môn phối hợp sử lý kịp thời. Cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan chuyên môn, làm tốt công tác điều tra DTDB sâu bệnh nói chung và theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, gây hại của rầy nâu và các loại rầy khác, tổ chức phòng trừ kịp thời khi mật độ rầy cao, không để rầy nâu bùng phát thành dịch. Tiếp theo, cần mở nhiều lớp tập huấn để người dân nhận biết triệu chứng bệnh, biện pháp kỹ thuật phòng trừ, thực hiện gieo cấy và sạ lúa theo phương pháp "né rầy". Xây dựng mô hình quản lý bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa tại các địa phương .

    Phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, cần thực hiện tốt việc quản lý tổng hợp rầy nâu, đó là: Quản lý nguồn rầy nâu tại chỗ cũng như rầy nâu di trú; giữa các vụ cần có thời gian cách ly (Giãn vụ) tối thiểu 20-30 ngày để hạn chế nguồn thức ăn của rầy nâu. Không gieo cấy, sạ lúa quá rày, tránh bón dư thừa phân đạm và lạm dụng sử dụng thuốc BVTV không theo nguyên tắc "4 đúng". Tăng cường khuyến cáo áp dụng mô hình 3 giảm- 3 tăng; mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI; mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Mặt khác, cần thiết lập, xây dựng lại hệ thống bẫy đèn từ tỉnh đến cơ sở để theo dõi, quản lý rầy nâu và rầy nâu nhỏ. Hạn chế rầy nâu, rầy nâu nhỏ là cách làm thiết thực để khống chế các bệnh do Virut gây  hại lúa hiện nay mà rầy là trung gian truyền bệnh.

                                                                                                        Kỹ sư: Phạm Văn Hiển
                                                                                                        Chi cục BVTV Phú Thọ


THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn