Thứ Hai, 29/4/2024
CẢNH GIÁC VỚI RẦY NÂU NHỎ, ĐỐI TƯỢNG DỊCH HẠI MỚI PHÁT HIỆN
Gửi bài In bài

     Theo tài liệu nước ngoài, rầy nâu nhỏ còn gọi là(rầy xám), có tên khoa học là: Laodelphax striatellus phân bố ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và Nam Âu. Thời gian cuối tháng 4 đầu tháng 5 vụ chiêm xuân năm nay, đối tượng này đã xuất hiện và lần đầu tiên được phát hiện gây hại trên lúa nếp và Bắc Ưu số 7 giai đoạn trỗ bông tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, và Bắc Ninh. Trên diện tích bị nhiễm, mật độ rầy nâu nhỏ phổ biến 1.000 - 1.500 con/ m2, cao 4.000- 6.000 con/ m2, cá biệt lên tới 18.000 - 20.000 con/ m2 , khả năng gây hại rất cao.

    Thông báo của Trung Quốc và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, ngoài tác hại trực tiếp trích hút gây lép, lửng cao trên lúa, rầy nâu nhỏ còn truyền vi rút gây bệnh cho cây như: Bệnh đốm sọc virus, bệnh lùn sọc đen virus (trên lúa), bệnh lùn nhám virus (trên ngô)...đây là những loại bệnh nguy hiểm chưa có thuốc trừ đặc hiệu.

    Xác định đây là đối tượng rầy có tiềm năng gây hại nguy hiểm, khó phòng trừ đối với cây lúa, ngô và một số cây trồng khác nên khi mới phát hiện, ngày 22/5/2009 tại Trung tâm BVTV phía Bắc, Cục Bảo vệ thực vật đã triệu tập họp khẩn cấp, dưới sự chủ trì của Cục trưởng Nguyễn Quang Minh với đại diện lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của 12 Chi cục BVTV vùng đồng bằng sông Hồng tham dự để nhận biết đối tượng trên đồng ruộng và trao đổi biện pháp quản lý, chủ động phòng trừ rầy nâu nhỏ.

    Trao đổi tại hội nghị, ông Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Hải Dương cho biết, khi phát hiện đối tượng này gây hại trên đồng ruộng, cán bộ kỹ thuật dễ nhầm tưởng là rệp hại lúa vì có hiện tượng tạo phấn, kéo màng trắng. Nhưng khi, xử lý thuốc rệp thông thường không thấy nó chết, kể cả phun đến lần thứ 3 chúng vẫn còn. Chỉ khi thấy nó di chuyển và nhảy mới nghĩ là đối tượng mới, tới khi có kết quả giám định của Viện Bảo vệ thực vật thì mới biết đó là rầy nâu nhỏ, đối tượng lần đầu tiên mới được phát hiện ở Việt Nam. Cũng theo ông Hạnh, rầy nâu nhỏ chỉ xuất hiện ở giai đoạn lúa trỗ trở đi, rất khó phòng trừ vì rầy cám mới nở rất nhỏ còn chui cả vào trong hoa lúa ẩn náu và gây hại. Ký chủ để chúng phát sinh gây hại là trên lúa nếpTK90, sau đó mới xuất hiện gây hại trên giống Bắc Ưu số 7 nhưng với mật độ thấp hơn.

 
   Quan sát của chúng tôi trên những ruộng lúa nếp TK90 ( nếp ngố) bị nhiễm rầy nâu nhỏ tại thôn Trai Trang ( huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) thì thấy: Cả rầy non và rầy trưởng thành đều có hình dáng tương tự như rầy nâu (Nilaparvata lugens), nhưng con trưởng thành cắn ngắn mình thon nhỏ hơn rầy nâu. Rầy cám tuổi 1,2 có màu nâu đậm hơn rầy nâu, con trưởng thành có màu nâu xám, chúng đều có khả năng nhảy rất nhanh.Trứng của rầy nâu nhỏ bước đầu xác định đẻ trên gân lá, khác với rầy nâu đẻ trứng ở trong bẹ lá. Triệu chứng gây hại chỉ thấy ấu trùng và trưởng thành trích hút nhựa ở trên bông lúa, chét và hạt lúa, không thấy triệu chứng gây hại trên thân; trên lá lúa có rải rác vết thâm kéo dài, nơi có mật độ cao thì trên lá xuất hiện lớp muội đen nhưng hầu như cả thân và lá lúa vẫn xanh tươi. Đây là điều khác biệt rễ nhận thấy so với triệu trứng gây hại của rầy nâu và rầy lưng trắng (cùng họ với rầy nâu nhỏ). Sự xuất hiện của rầy nâu nhỏ gây hại trên cây lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng là một nguy cơ tiềm ẩn mới trong sản xuất nông nghiệp. Lo lắng của Cục trưởng Nguyễn Quang Minh, nếu rầy nâu nhỏ di chuyển vào phía Nam, ở những vùng thuộc ổ dịch virus vàng lùn xoắn lá trên lúa thì không biết hậu quả sẽ đi đến đâu. Theo PGS. TS Phạm Văn Lầm (Viện BVTV), rầy nâu nhỏ xâm nhập vào nước ta từ bao giờ chưa rõ nhưng có vài thông tin xác nhận triệu trứng như mô tả ở trên cũng đã xuất hiện lẻ tẻ trong vụ chiêm xuân 2008 ở một vài tỉnh miền Bắc trong đó có ở tỉnh Phú Thọ. Như vậy, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta ngay từ khi này cần cảnh giác và có phương án đối phó với đối tượng dịch hại mới này.

    Như đã nêu ở trên, rầy nâu nhỏ là đối tượng gây hại trên cây lúa mới được phát hiện ở miền Bắc nước ta,  ngoài việc gây hại trực tiếp làm giảm năng suất, thậm chí không cho thu hoạch, nó còn là môi giới truyền 2 bệnh virus cực kỳ nguy hiểm trên cây lúa. Chúng xuất hiện ở giai đoạn lúa trỗ trở đi, nếu phun thuốc vào giai đoạn này (trỗ đến ngậm sữa) sẽ ảnh hưởng đến sự thụ phấn của hoa lúa và tồn dư thuốc BVTV trong hạt gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp sức khoẻ người tiêu dùng. Mặt khác, một số loại thuốc trừ rầy phổ biến hiện nay có hiệu lực rất thấp với trừ rầy nâu nhỏ.

    Để chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời rầy nâu nhỏ bảo vệ an toàn cho sản xuất cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và bà con nông dân trong toàn tỉnh cùng với ngành Bảo vệ thực vật trong việc điều tra phát hiện sớm đối tượng. Lưu ý: Thời gian bắt đầu trỗ trên các giống lúa nếp, lúa thơm, lúa chất lượng cao. Khi phát hiện đối tượng cần khoanh vùng, tổ chức diệt trừ kịp thời không để chúng lây lan ra diện rộng. Trước khi gieo cấy vụ tiếp theo cần vệ sinh đồng ruộng: Tiêu diệt lúa chét, lúa dại...; Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc nội hấp. Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm. Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, bảo vệ thiên địch (Bọ rùa đỏ thường hoạt động nhiều trên bông lúa, có thể là "sát thủ" của rầy nâu nhỏ). Thay đổi thời vụ của các giống cây trồng để tránh chồng chéo giữa các giai đoạn nhiễm của cây trồng với sự di chuyển của véc tơ gây bệnh có thể là một phương pháp hiệu quả cho việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh truyền vi rút của rầy nâu nhỏ.

Kỹ sư: Phạm Văn Hiển

Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn