Thứ Ba, 30/4/2024
Thông báo tình hình sinh vật gây hại (SVGH) 07 ngày trên lúa và biện pháp phòng trừ (Từ ngày 27/3 đến 03/4/2023 và dự báo trong 7 ngày tới)
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục và cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình sâu bệnh tại xã Đồng Trung huyện Thanh Thủy

Hiện nay, trà lúa Xuân sớm và trà Xuân muộn 1 đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng, trà Xuân muộn 2 đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, thời tiết thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Qua kết quả điều tra SVGH tuần 14 cho thấy, bệnh đạo ôn đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng, gây hại trong thời gian tới, đồng thời chuột vẫn tiếp tục gây hại cục bộ, bệnh khô văn đã xuất hiện rải rác. Chi cục Trồng trọt và BVTV ra thông báo kết quả tình hình SVGH, dự báo trong thời gian tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I/ TÌNH HÌNH SVGH HẠI VÀ DỰ BÁO 7 NGÀY TỚI:

1. Bệnh đạo ôn:

* Hiện tại: Thời tiết trong tuần trời nhiều mây, đêm và sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao. Bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại rải rác trên các trà lúa tại các huyện, thành, thị, trên một số giống như J02, TBR225, Thiên ưu 8, Thái Xuyên 111, Hương thơm số 1, một số giống nếp, ... . . Tỷ lệ bệnh trên lá phổ biến 0,1 - 2,0%, cao 5,0 - 14%, cục bộ 18,2 - 38,2% (xã Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, Xuân Viên huyện Yên Lập; xã Vĩnh Chân, Xuân Áng huyện Hạ Hòa). Cấp bệnh phổ biến: Cấp 1, 3. Diện tích nhiễm 62,6 ha, trong đó nhiễm nhẹ 53,6 ha; nhiễm trung bình 8,2 ha; nhiễm nặng 0,8 ha (xã Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, Xuân Viên huyện Yên Lập). Diện tích nhiễm thấp hơn so với CKNT 128,3 ha. Diện tích đã phòng trừ 57,6 ha.

* Dự báo: Theo dự báo thời tiết, trong những ngày tới, trời tiếp tục nhiều mây, có mưa, mưa  rào nhẹ, đêm và sáng sớm se lạnh, độ ẩm không khí cao, nhiệt độ giao động từ 20 - 300C. Đây là điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh và gây hại trên lá, nhất là trên những giống mẫn cảm. Các huyện cần chú ý: Hạ Hòa, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Ba, Thanh Thủy, TP.Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao, TX Phú Thọ,...

2. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh phát sinh rải rác ở tất cả các huyện, thành, thị. Tỷ lệ bệnh phổ biến 0,4 - 2,6%; cao 6,2 - 16%, cấp bệnh phổ biến: Cấp 1. Diện tích nhiễm 335,4 ha (Chủ yếu nhiễm nhẹ), thấp hơn so với CKNT 993 ha.

* Dự báo: Trong thời gian tới, cây lúa được bổ sung thêm lượng phân đón đòng do đó bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan và gây hại trên tất cả các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón phân không cân đối, bón thừa đạm.

3. Ngoài ra: Chuột hại cục bộ. Rầy các loại, sâu đục thân gây hại rải rác. 

II/ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

- Đề nghị UBND các huyện, thành, thị phân công, đôn đốc các thành viên trong Ban chỉ đạo đến cơ sở kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ kịp các đối tượng SVGH thời theo hướng dẫn của Chi cục/trạm Trồng trọt và BVTV. Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh ở xã, khu dân cư để bà con nông dân biết, thăm đồng, kiểm tra và phun triệt để các ổ bệnh đạo ôn, không để lây lan trên diện rộng. Tiếp tục thực hiện tốt văn bản số  401/SNN-TT&BVTV ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện chỉ thị số 1900/CT-BNN-BVTV của Bộ Nông Nghiệp và PTNT về tổ chức thực hiện phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.

- Chi cục Trồng trọt và BVTV yêu cầu các Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, thành, thị tăng cường điều tra dự tính dự báo chính xác về quy mô, mức độ gây hại, ban hành thông báo hàng tuần và tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời các đối tượng SVGH, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng bón các loại phân hoá học (Nhất là đạm) và thuốc kích thích sinh trưởng. Trong điều kiện thời tiết đang rất thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại, cần phòng trừ ngay bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ như: Goldbem 777WP, Antimer-so 800WP, Lúa vàng 20 WP, Trizole 75 WP, Fu-army 30WP, 40 EC, Ban kan 600WP, Bemgold 750WP, Abenix 10FL, Ka-bum 650WWP, Funhat 40WP, Katana 20SC, Sieubem 777WP,... . Nếu ruộng bị nặng cần phải phun kép (2 lần) lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày.  

- Chuột: Tiếp tục tổ chức diệt chuột thường xuyên ở những khu, cánh đồng chuột còn gây hại mạnh. Sử dụng thuốc trừ chuột có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, ví dụ như: Hicate 0.25WP, iHIHRanpart 2%DS, Cat 0.25WP, Rat K 2% DP, Rat-kill 2% DP, ... trộn thành bả; mồi nhử là thóc luộc nứt vỏ chấu, gạo, khoai lang, mộng mạ, cua, ốc, tép, ...hoặc bả trộn sẵn Broma 0.005AB, FORWARAT 0.005% WAX BLOCK, GIMLET 2.0GB, .... Lưu ý: Khi cây lúa đã bước vào giai đoạn làm đòng, mồi bả cần có mùi tanh để hấp dẫn chuột. Nếu sử dụng thóc luộc làm mồi thì cần trộn thêm cám đậm đặc (dạng bột) sử dụng trong chăn nuôi với tỷ lệ 1 phần cám trộn với 40 - 50 phần thóc luộc.

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ: Saipora Super 350SC, Saizole 5EC, Chevin 5SC, Cavil 60WP, Nativo 750WG,Valicare 8SL, Lervil 100SC, Senly 2.1SL, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL,...

- Các đối tượng khác cần tiếp tục theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ thông báo và kính đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn