Thứ Năm, 9/5/2024
Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông năm 2022, giải pháp triển khai kế hoạch vụ Đông năm 2023
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc cây vụ Đông sớm tại Văn Lang - Hạ Hòa

Sản xuất vụ Đông 2022 diễn ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn: Giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thiếu và yếu (Do chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn); thị trường các mặt hàng nông sản cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng khốc liệt, đặc biệt yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc vùng trồng đòi hỏi ngày càng cao.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các sở, ngành liên quan, các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo quyết liệt, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất: giống, vật tư,..; chủ động các biện pháp ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.

Có thể nói, trong điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn, song, từ Tỉnh đến cơ sở  đã có những biện pháp chỉ đạo rất quyết liệt, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng TBKT.

* Kết quả sản xuất vụ Đông 2022:

- Về sản xuất: Toàn tỉnh gieo trồng được trên 14,7 nghìn ha cây vụ đông. Trong đó có 6,4 nghìn ha ngô, năng suất trung bình đạt 48,17 tạ/ha, sản lượng đạt 30,8 nghìn tấn. Ngô sinh khối đạt 1.470 ha, sản lượng 73,5 nghìn tấn. Rau các loại, diện tích 5,7 nghìn ha, năng suất 165,11 tạ/ha, sản lượng 94,6 nghìn tấn. Khoai lang, diện tích 447,1 ha,...

- Liên kết sản xuất: Toàn tỉnh đã xây dựng 46 chuỗi cung ứng thực phẩm trồng trọt an toàn với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng (chè, bưởi, chuối, rau, gạo,..). Các chuỗi đều có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; giá trị sản phẩm sau khi tham gia chuỗi cao hơn từ 15 - 20%. Nhiều chuỗi sản phẩm đã thiết lập được hệ thống các đại lý, nhà phân phối và cung ứng cho các siêu thị, trung tâm thương mại lớn (Siêu thị Big C, Win Mart, Coop Mart…): Chuỗi cung cấp rau an toàn Tứ Xã của Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao), sản phẩm được chứng nhận VietGAP với sản lượng 600 tấn/năm, cung cấp cho Siêu thị Big C, Siêu thị Coop mart. Chuỗi cung cấp chè an toàn Thế hệ mới của Công Ty TNHH Thế Hệ Mới (xã Phú Hộ, TX Phú Thọ), sản phẩm được chứng nhận ISO 22000: 2018, HACCP với sản lượng 20.000 tấn/năm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Một số mô hình: Mô hình sản xuất bí xanh vụ Đông trên đất lúa xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, quy mô 100 ha, cho thu nhập 250 triệu/ha, lợi nhuận 190 triệu/ha. Mô hình trồng cà chua, dưa chuột, dưa lê Hàn Quốc, dưa vân lưới trong nhà màng tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, quy mô 7.000 m2, sản lượng trên 70 tấn, thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Các mô hình liên kết sản xuât ngô sinh khối vụ Đông năm 2022, tại huyện Thanh Thủy với diện tích trên 500 ha, huyện Tân Sơn 40 ha, huyện Tam Nông 60 ha, huyện Hạ Hòa 500 ha cho thu nhập từ 55 - 60 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm ớt, rau bắp cải với diện tích trên 05 ha tại xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy cho năng suất 14 tấn/ha, thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ rau hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Ngân Hà tại xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ với quy mô 04 ha, tổng sản lượng rau sản xuất trong một năm đạt gần 120 tấn/năm gồm các sản phẩm rau ăn lá, dưa lưới, dưa lê hàn quốc...; tiêu thụ tại hệ thống BigC, VinMart trong tỉnh. Doanh thu trung bình đạt 2.220 triệu/năm.

* Kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2023:

Về các chỉ tiêu thực hiện:

Ngô đông: Diện tích 6.500 ha, năng suất 49 tạ/ha, sản lượng 31,8 nghìn tấn (trong đó ngô sinh khối phấn đấu trên 1.400 ha, sản lượng trên 75,0 nghìn tấn).

Rau các loại: Diện tích 5.750 ha, năng suất 167,9 tạ/ha, sản lượng 96,5 nghìn tấn.

Giá trị sản xuất vụ đông năm 2023 phấn đấu đạt trên 1.400 tỷ đồng, bình quân đạt 80 triệu đồng/ha.

Về định hướng, quan điểm chỉ đạo và giải pháp thực hiện:

Sản xuất vụ Đông được coi là vụ sản xuất chính trong năm, phải gắn với quy hoạch nông lâm nghiệp, các kế hoạch đã được phê duyệt cho từng loại cây trồng. Sản xuất vụ Đông năm 2023 với phương châm “Hướng vào giá trị làm mục tiêu sản xuất”, sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững.

Tập trung mở rộng tối đa diện tích, phát triển cây vụ Đông trên đất 3 vụ thuận lợi thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ. Cây vụ Đông, đặc biệt là cây ngô đông vẫn được coi trọng, tuy nhiên, cần đa dạng trong sản xuất: Ngô sinh khối, ngô nếp, ngô ngọt, ngô rau; mở rộng sản xuất  các loại rau cao cấp (măng tây, dưa các loại, nấm ăn….), rau có giá trị kinh tế (dưa chuột, ớt, cà chua…), các loại rau có thời gian bảo quản dài sau thu hoạch (bí đỏ, bí xanh, khoai tây…). Với nhóm cây rau đậu cần bố trí thành nhiều trà để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá.

Ứng dụng nhanh các TBKT, công nghệ cao vào sản xuất diện rộng, gắn với thị trường tiêu thụ; bố trí hợp lý cơ cấu nhóm cây ưa ấm, ưa lạnh và nhóm trung tính, các cây có giá trị kinh tế cao góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Tổ chức triển khai các hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: Ngô sinh khối với Công ty cổ phần Giống và TACN T&T 159 Hòa Bình, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hương Hà (Tuyên Quang); Công ty TNHH TMDV nông nghiệp Minh Anh, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Vô Tranh, đã nhiều năm liên kết sản xuất, tiêu thụ ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh. Hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản T9, liên kết trồng dưa chuột vụ Đông năm 2023 với Hợp tác xã Rau củ quả Hướng Đạo, liên kết trồng măng tây với HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ và một số doanh nghiệp khác.

Trên cơ sở chủ trương, định hướng của tỉnh các địa phương cần bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt phù hợp với thực tế gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, quy mô lớn theo hướng “Đại điền” để áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong đó, tập trung chỉ đạo liên kết sản xuất - tiêu thụ, đặc biệt với các sản phẩm như: Ngô sinh khối, ngô thực phẩm, ớt, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, rau cao cấp,... Tổ chức thiết lập, xây dựng vùng trồng và cấp mã số vùng trồng nội tiêu, xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử ngành Nông nghiệp và PTNT (snnphutho.vn), hệ thống truyền thanh cơ sở; tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội: Zalo, facebook, Youtube... đảm bảo có sự quản lý, kiểm soát tốt nội dung đăng tải. Lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật, cấp mã số vùng trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm nhiều sản phẩm của các địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên; khuyến khích dán tem nhãn nhận diện sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm gắn trách nhiệm cơ sở sản xuất với chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Với những mục tiêu và giải pháp trên, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân trong tỉnh, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; sự phối hợp trong chỉ đạo, triển khai sản xuất của các tỉnh bạn để sản xuất vụ Đông của Phú Thọ nói riêng và của các tỉnh phía Bắc nói chung ngày càng phát triển có hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới./.

                                                                                                 Phan Văn Đạo

                                                                      Chi cục trưởng - Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ


Ảnh: Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc cây vụ Đông sớm tại Văn Lang - Hạ Hòa

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn