Thứ Bảy, 27/4/2024
Chủ động phòng trừ sâu bệnh đảm bảo vụ chiêm xuân thắng lợi
Gửi bài In bài

Vụ Chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 36.788 ha, đạt 102,2% KH; trong đó, lúa lai đạt 19.729 ha, chiếm 53,6% diện tích gieo cấy, diện tích gieo thẳng 3.201 ha, SRI đạt 13.161 ha. Hiện nay, trà xuân sớm, xuân trung đang giai đoạn đòng già – trỗ; trà xuân muộn đoạn đứng cái – làm đòng. Đây là thời điểm cây lúa rất mẫn cảm với sâu, bệnh. Mặt khác, từ nay đến cuối vụ thời tiết thường diễn biến phức tạp tạo điều kiện cho sâu, bệnh dễ bùng phát gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng tới năng xuất và sản lượng của cả vụ.

          Kết quả điều tra sâu bệnh kỳ từ ngày 14 – 16/4 trên địa bàn toàn tỉnh, nhìn chung sâu bệnh hại trên đồng ruộng vẫn ở mức độ thấp đến trung bình và tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số đối tượng tiềm ẩn nguy cơ gây hại nặng cần được giám sát chặt chẽ và chỉ đạo phòng trừ kịp thời đó là:

         + Chuột: Gây hại trên các trà lúa tại hầu hết các huyện, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng; tỷ lệ hại phổ biến 0,2 - 0,9%, cao 4,0 - 8,6%, cục bộ 10,4% (Lâm Thao). Diện tích nhiễm trên 1.900 ha, phổ biến tại các huyện Cẩm Khê, Lâm Thao, Phù Ninh... Thời gian tới, chuột tiếp tục gia tăng và gây hại, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những chân ruộng cạn, ven làng, ven đồi gò,... Hiện nay, cây lúa đã có đòng việc đánh chuột bằng các loại mồi bả phối trộn thuốc hiệu quả sẽ không cao, nên sử dụng các loại bẫy có mồi bằng chất tanh, thực phẩm đặt nơi chuột thường qua lại để tiêu diệt.

+ Bệnh khô vằn: Gây hại nhẹ đến trung bình; tỷ lệ hại phổ biến 1,8 - 5,9%, cao 12 -  18%, cục bộ 30 - 39% (Việt Trì, Hạ Hoà). Diện tích nhiễm gần 400 ha, phổ biến tại các huyện Việt Trì, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Thanh Ba... Từ nay đến cuối vụ, bệnh tiếp tục lây lan và gây hại mạnh, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng rậm rạp, xanh tốt, bón nhiều đạm,... Khi ruộng có tỷ lệ bệnh hại trên 20% sử dụng các loại thuốc như Cavil 50WP, Lervil 5SC, Anvil 5SC, ... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.

+ Bệnh đạo ôn lá: Gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng; tỷ lệ hại phổ biến 0,1 - 0,5%, cao 4 -  8%, cục bộ ổ 18 - 25% (Cẩm Khê). Diện tích nhiễm gần 250 ha, tập trung ở các huyện Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn. Hiện nay, bệnh đạo ôn lá cơ bản dừng, không có vết bệnh mới. Cần đề phòng thời tiết ấm, trời âm u, có mưa nhỏ, ẩm độ không khí cao, bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện gây hại trên diện tích trỗ cuối tháng 4, nhất là những nơi đã xuất hiện đạo ôn lá. Đặc biệt lưu ý trên các giống nếp, Xi23, X21, KD18, HT, NƯ838,... tiến hành phòng trừ bằng các thuốc Katana 20SC, Bemsuper 75WP, Fuji - one 40WP, New Hinosan 30EC, Fu-army 30WP,... phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

+ Sâu đục thân: Sâu đục thân cú mèo, đục thân 5 vạch và đục thân 2 chấm đang phát dục tuổi 4 và tuổi 5. Trưởng thành sâu đục thân dự kiến rộ từ ngày 29/4 đến 1/5. Như vậy, sâu đục thân lứa 2 dự kiến trùng vào thời gian lúa xuân muộn trỗ thấp thoi ( trỗ tập trung từ ngày 10 – 15/5) gây bông bạc. Đây là lứa sâu hại chính trong vụ cần quan tâm phòng trừ. Các huyện cần lưu ý: Lâm Thao, Việt Trì, Tam Nông, Cẩm Khê... Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi  mật độ bướm trên 0,3 con/m2 hoặc mật độ trứng trên 0,3 ổ/m2, thì phải phun  phòng trừ. Thời điểm phun thuốc tốt nhất là sau khi bướm rộ 5 - 7 ngày; nếu mật độ cao phải phun kép 2 lần, lần sau cách lần trước 4 - 5 ngày. Nên phun thuốc trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày. Sử dụng các thuốc đặc hiệu như: Victory 585EC, Finico 800WG, Patox 95SP,... pha và phun theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì.

 + Rầy các loại: Đang tích luỹ, gia tăng mật độ; rầy cám lứa 2 rộ cuối tháng 4 đầu tháng 5, gây hại nhẹ trên trà xuân sớm, trà xuân trung giai đoạn đòng già - trỗ. Rầy cám lứa 3 rộ từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, gây hại trên trà xuân trung giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi và trà xuân muộn giai đoạn ngậm sữa - chín. Chỉ phun thuốc khi ruộng có mật độ rầy từ 30 đến 40 con/khóm (tương đương 1.500 con/m2) trở lên. Để phun phòng trừ rầy có hiệu quả, cần xác định thời điểm phun thích hợp đó là:  Phun khi rầy tuổi nhỏ còn gọi là rầy cám, nếu phun sớm hơn sẽ phải phun 2 lần do trứng rầy tiếp tục nở, còn phun muộn hơn thì cây lúa đã bị hại vẫn ảnh hưởng tới năng suất. Khi cây lúa ở giai đoạn còn non đến chín sữa, sử dụng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, phun không cần rẽ băng: Tasodant 600EC, Victory 585EC, Midan 10 WP, Sectox 10 WP,... Giai đoạn lúa chín sữa, phải sử dụng các loại thuốc tiếp xúc và phải rẽ băng rộng từ 0,8 - 1m, phun kỹ vào gốc lúa: Bassa 50 EC, Trebon 10EC, Victory 585EC,... Mật độ rầy cao, có thể hỗn hợp thuốc nội hấp, lưu dẫn với thuốc tiếp xúc để tăng hiệu quả diệt trừ.

+ Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:  Nguồn bệnh đã xuất hiện trên đồng ruộng, cần đề phòng thời tiết cuối tháng 4, đầu tháng 5 thường có mưa bão bệnh phát triển gây hại trên các trà xuân muộn, cục bộ hại nặng trên giống lúa lai, lúa xanh tốt, rậm rạp, có bản lá to giai đoạn lúa làm đòng và trỗ. Các huyện cần lưu ý: Thanh Thủy, Cẩm Khê, Phù Ninh, Lâm Thao, Việt Trì... Cần kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt sau các trận mưa bão. Ruộng bị bệnh phải duy trì nước trên ruộng, dừng bón phân hóa học hay phun phân bón lá và phun ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu: Starwiner 20WP, Kozuma 3 SL, Xanthomix 20WP, Sasa 20WP... Pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

        Từ cuối tháng 4 và tháng 5 là thời điểm các đối tượng sâu, bệnh gia tăng gây hại trên cây lúa, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và phun triệt để các ổ sâu bệnh theo hướng dẫn của Chi cục bảo vệ thực vật. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới chủ động công tác phòng trừ, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đảm bảo một vụ Chiêm xuân thắng lợi cả về diện tích và sản lượng./.

                                                                                                                          Phạm Văn Hiển

                                                                                                                    Chi cục Bảo vệ thực vật.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn