Thứ Bảy, 27/4/2024
TRỒNG KHOAI TÂY LÀM ĐẤT TỐI THIỂU ĐƠN GIẢN, DỄ LÀM MÀ HIỆU QUẢ
Gửi bài In bài

 Vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính của các địa phương, mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở vùng nông thôn. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu( BĐKHTC) trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp nước ta. Đó là rét đậm, rét hại, khô hạn kéo dài, mưa lũ xảy ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng, tính đột biến ngày càng rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta cũng chịu chung sự ảnh hưởng đó, cây lúa thường bị kéo dài thời gian sinh trưởng, thu hoạch chậm hơn khoảng 10 - 15 ngày. Gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương nếu trồng sau ngày 30/9 khi ra hoa, kết quả gặp rét sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất thậm chí không cho thu hoạch.

 Để giải quyết vấn đề trên, trong những năm qua ngành nông nghiệp của tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm ứng phó với BĐKHTC như bố trí cơ cấu giống cây trồng phù hợp, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tới tiêu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như  gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay, thâm canh lúa cải tiến SRI; cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch... nhằm đẩy nhanh tiến độ, chạy đua với thời vụ để tránh những điều kiện bất thuận. Đồng thời đảm bảo thời gian sản xuất vụ đông với diện tích và sản lượng cao nhất. Vụ đông 2010, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục BVTV xây dựng mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu. Đây là một sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với BĐKHTC do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với văn phòng FAO – IPM đã thực hiện thành công. Hai mô hình với quy mô 11ha được tiến hành tại xã Địch Quả (5 ha) huyện Thanh Sơn và xã Kim Thượng ( 6ha) huyện Tân Sơn. Chi cục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham gia mô hình và còn tổ chức chuyến” Mục sở thị” tại xã Tốt Động - Chương Mỹ - Hà Nội để xem người dân ở đó làm và nói về trồng khoai tây  phương pháp mới này. Thì ra, trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu khá đơn giản, sau khi thu hoạch lúa chỉ cần tháo cạn nước ruộng, tung vôi bột từ 15 - 20 kg/sào. Độ ẩm đất đạt 70 - 75% (Nắm đất thấy dính tay, nước không chảy ra kẽ ngón tay) thì tiến hành trồng và tốt nhất trồng  khoảng  giữa tháng 10 đến 10 tháng 11 dương lịch. Giống và phân bón chuẩn bị như trồng theo truyền thống. Cái khác là phải chuẩn bị rơm rạ với công thức 1 sào khoai thì 3 sào rơm rạ và chỉ cần cày rãnh rộng 30 cm, sâu 20 - 25 cm để thoát nước và dẫn nước tưới, từ rãnh nọ đến rãnh kia là 1,2m để mặt luống còn 0,9m. Lượng giống cần 1.100 - 1.200 củ, khoảng 35 - 45 kg/ sào. Khi mua giống về cần vặt mầm chính, rải khoai dày 5 - 10 cm, phủ rơm, bao tải đay ẩm  3 - 4 ngày, khi mầm dài 0,5 - 1 cm thì đem trồng. Nếu củ giống to thì bổ làm đôi, mỗi lần bổ xong cần hơ dao qua lửa trước khi bổ củ khác đề phòng lây bệnh qua củ giống. Chấm mặt cắt củ giống vào xi măng khô, đặt ngửa  lên nong, nia hoặc bạt ngày hôm sau là  trồng ngay được. Trồng 2 hàng so le nhau trên luống cách nhau 40 cm, cây cách cây 30 cm. Rải phân bón lót giữa luống, đặt củ giống theo hàng cách mép luống 25 cm, khi đặt mầm hoặc mắt nghiêng 30 - 450, không để củ giống tiếp xúc với phân bón, phủ kín củ bằng đất bột sau đó phủ rơm rạ dày 5 - 7 cm kín mặt luống. Ngoài việc chuẩn bị rơm rạ, cần có 5 – 8 tạ phân chuồng hoai; đạm Urê 12 - 14 kg; NPK5-10-3 20 - 25kg; Kali 10 - 12 kg. Bón lót toàn bộ phân chuồng, NPK5-10-3 và 4-5 kg đạm( trộn đều). Khi cây cao 20cm thì bón thúc lần đầu 4- 5 kg đạm và 5- 6 kg Kali và phủ  thêm rơm rạ vào quanh gốc cây. Sau khi trồng được 6 tuần thì bón thúc lần hai với lượng phân  còn lại. Lượng đạm và kali hai lần bón thúc trên có thể thay thế bằng NPK12-5-10  bón thúc mỗi lần khoảng 15 - 20 kg/sào. Chỉ cần vạch rơm, rải phân vào giữa 2 khóm khoai rồi phủ lại, nếu đất khô thì tưới bổ sung. Việc chăm sóc rất đơn giản, không phải xới vun, làm cỏ, chỉ cần kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh và luôn giữ đủ ẩm đất để cây khoai phát triển. Nên nhớ, sau trồng 2-3 ngày nên cho nước ngập 1/3 rãnh, đất ngấm đủ ẩm thì tháo cạn. Những lần sau khi bón thúc cũng làm như vậy và có thể để nước đến 1/2 rãnh. Trước thu hoạch 15 - 20 ngày dừng tưới nước để không bị thối củ và củ để được lâu. Thời gian từ khi trồng đến khi thân lá ngả sang màu vàng khoảng 90 ngày là thu hoạch. Tại Hội thảo đầu bờ,  đại biểu và  bà con nông dân đều  đánh giá cao về sự thành công của mô hình. Chỉ cần bới rơm rạ  là củ khoai  long lóc như những rổ trứng ngỗng, củ nào củ nấy nhẵn nhụi căng tròn, tuỳ theo giống mà màu tím đỏ, màu trắng vàng thật đẹp mắt. Hạch toán kinh tế, trồng 1 ha khoai tây làm đất tối thiểu chỉ hết 65 công, giảm 80 công so với truyền thống. Lãi thuần  68,5 triệu đồng/ha cùng giống Atlantic, cao hơn so với truyền thống 10,7 triệu đồng/ha. Phương pháp này còn hạn chế bốc hơi nước, tiết kiệm  nước tới. Sản phẩm thu hoạch đồng đều, mẫu mã đẹp, bán được giá và rất phù hợp với tiêu chuẩn chế biến công nghiệp. Thu hoạch xong lượng chất xanh từ cây khoai tây và rơm rạ  mục nát tạo mùn bổ xung chất hữu cơ cho đất tơi xốp hơn, giảm độ chua, vụ gieo cấy tiếp theo cây lúa sinh trưởng tốt và năng suất cao hơn. Chẳng thế mà, khi được hỏi vấn đề này, chị Hà Thị Thêm ở khu 5 xã Địch Quả cho biết: Gia đình chị trồng 3 sào khoai tây, một nửa diện tích trồng theo truyền thống, nửa còn lại trồng theo làm đất tối thiểu. Hỏi sao lại vậy? Chị cười nói: Vì lúc  đầu  chưa thực sự tin tưởng làm đất tối thiểu, hai nữa lượng rơm rạ cũng mới chuẩn bị đủ cho một nửa ruộng.  Chị còn cho biết trồng theo cách mới ( làm đất tối thiểu) củ giống mọc nhanh, cây khoẻ mập hơn, tốn ít công và năng suất cao hơn hẳn, gần gấp đôi anh ạ. Thu hoạch thương lái đến tận ruộng tranh nhau mua chẳng phải đi đâu bán cả. Lúc đầu thì 10 nghìn một kg, sau lên 12 thậm chí có nhà bán được 13 nghìn đồng một kg đấy. Vụ sau  gia đình chị và các hộ  khu 5và khu 6 áp dụng cấy theo SRI trên nền ruộng trồng khoai tây làm đất tối thiểu. Chị khẳng định, vụ chiêm xuân vừa rồi lúa đạt 250 kg một sào mà chỉ cần bón 4 – 5 kg đạm, ít hơn đại trà  2kg đạm, các loại phân khác thì tương đương. Vụ này tuy chưa gặt, nhưng chị nói  khuyến nông xã đánh giá chí ít cũng phải đạt 1,8 đến 2 tạ/ sào. Với chị Hà Thị Tuyết Lực, Chủ tịch UBND xã Kim Thượng khi nhắc lại vụ khoai tây năm trước, chị vui vẻ cảm ơn và nói: Bà con phấn khởi lắm anh ạ! Chưa năm nào xã trồng được nhiều khoai tây và năng suất cao như vậy. Tôi nhớ lại, vợ chồng chị cũng gom rơm rạ, trồng nửa thửa ruộng mượn của cô em để trồng vì nhà chị không có ruộng ở khu mô hình. Tôi hiểu được, không chỉ chị mà các lãnh đạo địa phương, trưởng khu Quyền, khu Xuân đều tích cực cùng gia đình làm để nông dân làm theo. Hỏi về hiệu quả, chị mộc mạc: Nửa mảnh ruộng đó chắc  chỉ mấy thước thôi mà cũng thu được hơn  2 tạ củ. Các hộ khác nhà nhiều nhà ít, nếu trồng 1 sào khoai tây ngoài để ăn và làm quà cũng bán được 3 – 4 triệu đồng. Số tiền này không nhiều xong lại rất có ý nghĩa với bà con nông dân nghèo miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Kim Thượng. Chị còn cho biết vụ đông năm nay bà con đăng ký trồng hơn 10 ha, xã đã nhờ trạm BVTV huyện về tập huấn vì nhiều bà con năm trước chưa làm, năm nay cũng đăng ký trồng khoai tây làm đất tối thiểu.

      

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn