Thứ Sáu, 26/4/2024
SÂU BỆNH HẠI RAU HỌ THẬP TỰ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ.
Gửi bài In bài

1. Sâu tơ:

Sâu non màu xanh nhạt, mỗi đốt đều có lông nhỏ. Sâu non mới nở đục lỗ ăn biểu bì dưới và thịt lá, chừa lại biểu bì trên tạo thành 2 đốm trong  mờ, từ cuối tuổi 2 gặm thủng lá thành nhiều lỗ thủng lỗ chỗ, sâu bị động nhả tơ rơi xuống (bị hại nặng chỉ còn gân lá). Sâu thường tập hợp ở mặt dưới lá, đẫy sức nhả tơ kết kén ngay trên lá để hóa nhộng. Sâu tơ gây hại trong tất cả các vụ trồng rau đông xuân từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, cao điểm gây hại từ tháng 1đến tháng 3.

2. Sâu xanh bướm trắng:

Sâu non mầu xanh lục, các đốt bụng có vân ngang, trên thân có nhiều chấm đen, trên lưng có ba tuyến màu vàng chạy dọc cơ thể, toàn thân sâu có nhiều tơ nhỏ vì vậy việc phân biệt các đốt rất khó. Sâu non nở ra ăn khuyết lá chỉ chừa lại gân, khi hại sâu tạo nên vết thương cơ giới  thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh và gây hại sâu thường ẩn nấp mặt dưới lá.

3. Bọ nhảy sọc cong  vỏ lạc:

Trưởng thành có 2 vân sọc hình củ lạc màu trắng. Trưởng thành nhảy xa bay  khỏe, thường hoạt động mạnh vào sáng sớm, chiều mát, buổi trưa ẩn nấp ở dưới lá gần gốc, trời mưa to ít hoạt động, bọ nhảy có tính giả chết. Trưởng thành đẻ trứng dưới đất cách rễ chính 3cm, có khi đẻ ngay trên thân sát mặt đất. Thời gian sống của trưởng thành rất dài có thể tới 1 năm. Trưởng thành ăn lá tạo thành lỗ nhỏ li ti, mật độ cao có thể ăn hết gân lá làm lá rau sơ xác. Bọ nhảy gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc nếu mật độ 1 - 2 con/cây kết hợp trưởng thành hại lá có thể làm cây chết.

Sâu non hình ống tròn, màu vàng nhạt. Nhiệt độ từ 10°C sâu bắt đầu phá hoại, mức hại tăng dần khi nhiệt độ tăng dần đến 30-34°C, khi nhiệt độ >34°C, sâu ít hoạt động và tìm nơi mát ẩn nấp. Sâu non thường nằm ở dưới đất ăn hại rễ và củ tạo đường ngoằn ngoèo làm cây bị héo và dễ mắc bệnh thối búp, thối củ.

4. Bệnh thối nhũn bắp cải:

Bệnh th­ường xuất hiện sau khi cải bắp đã cuốn, có thể phá hại từ đầu bắp sau đó lan dần xuống phía d­ưới hoặc từ gốc phát triển lên trên. Ở lá bắp lúc đầu vết bệnh có dạng giọt dầu, sau chuyển thành màu nâu nhạt, mô bệnh nhanh chóng lan rộng và thối nhũn có mùi khó ngửi. Giới hạn giữa mô bệnh và mô khoẻ phân biệt rõ ràng, lá ngoài cùng của cây bệnh bị héo rũ, để lộ rõ bộ phận bắp cuốn, bắp dễ dàng gãy, cây đổ ngả trên mặt đất và thối nhanh  chóng.

Bệnh do vi khuẩn gây nên, phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện mư­a nhiều, ẩm độ cao, nhiệt độ thích hợp khoảng 27 - 300c. Luống bắp cải cao, thoát nước thì bệnh nhẹ hơn. Ở những ruộng cải bắp bón nhiều phân chuồng t­ươi thì khả năng nhiễm bệnh cao hơn ở những ruộng bón phân chuồng hoai mục. Ngoài ra, sự lây lan của bệnh còn phụ thuộc vào đặc tính của từng giống cải bắp, qua vết thương cơ giới do côn trùng gây ra hoặc quá trình chăm sóc.

5. Biện pháp phòng trừ: Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp

* Biện pháp canh tác: Thu dọn tàn dư  cây trồng sau khi thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu 10 - 15 cm, phơi ải từ 10 - 15 ngày trước khi trồng (hoặc lên luống rồi phủ nilon trên bề mặt từ 3 - 5 ngày để diệt ấu trùng sau đó gieo trồng bình thường). Bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ. Gieo trồng tập trung đúng thời vụ.

* Biện pháp thủ công: Đối với sâu tơ và sâu xanh ta có thể ngắt lá già tạo thông thoáng cho cây và bắt sâu trên lá vào buổi sáng sớm và chiều mát.

*Biện pháp hoá học:

- Đối với sâu tơ: Khi mật độ sâu giai đoạn cây con mật độ 20 con/m2, cây lớn mật độ 30 con/m2 thì sử dụng thuốc: Pertox 5EC, Oncol 20EC, Cyperkill 10EC, 25EC, 5EC, Pegasu 500SC, Reasgant 1,8EC, 3,6EC, Sokupi 0,36AS, Catex 1,8EC, 3,6 E,...Phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Sâu tơ là đối tượng dễ kháng thuốc, vì vậy khi sử dụng thuốc hóa học cần phun luân phiên các loại thuốc thì mới có hiệu quả.

        - Đối với sâu xanh bướm trắng: Khi mật độ Sâu 10con/m2 thì ta sử dụng thuốc. Thuốc sinh học: Ratoin10EC, Delfin WG(32BIU), Biocin 16WP.... Thuốc hóa học: Cymerin 10EC, Karate 2.5EC, Catex 1,8EC, 3,6 EC....Phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

- Bọ nhảy: Khi mật độ trên 20 con/m2 thì ta có thể sử dùng những thuốc sau: Actara 25WG,  Sokupi 0,36 AS, 0,5AS.... phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Cần phải phun giai đoạn sâu non còn ở dưới gốc thì hiệu quả mới cao.

- Đối với bệnh thối nhũn: Sử dụng các loại thuốc Timan 80 WP, Staner 20WP, Poner 40T.... phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

Chú ý: Khi phòng trừ phải tuân theo nguyên tắc "4 đúng", ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc, đảm bảo đúng thời gian cách ly.

 

                                                                           Kỹ sư: Lương Trung Sơn

                                                                            Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn