Thứ Bảy, 27/4/2024
Lạc bị sâu gây hại
19/03/2009 | Sâu bệnh
Ruộng lạc nhà tôi được chăm sóc, bón phân đúng theo quy trình, luống cao, không bị ngập úng, không bị hạn khô, cây lạc xanh tốt nhưng đến khi lạc đâm tia, đột nhiên có từng chòm, từng vạt cây có chóp lá bị vàng, khô cháy, tán cây xơ xác không rõ do nguyên nhân nào gây ra và có thể khắc phục được không, xin cho biết cụ thể. Xin cảm ơn.

Ruộng lạc được chăm sóc tốt, các biện pháp canh tác, trồng trọt bón phân, chế độ nước được đảm bảo tốt theo quy trình kỹ thuật mà ông đã làm là điều rất tốt, chẳng may lạc đang xanh tốt mà bỗng dưng xuất hiện hiện tượng như ông mô tả thì theo chúng tôi có thể là do lạc đã bị rầy xanh gây hại, cần kiểm tra thêm sự có mặt của sâu (rầy xanh) ở ruộng, ở những chòm cây có chóp lá khô, vàng, giống như triệu chứng gây hại của rầy xanh trên lạc. Rầy xanh trưởng thành mầu xanh lá cây nhạt, rầy non mới nở mầu trắng trong, nhỏ bé (1mm), rầy tuổi 2 - 3 bụng mầu xanh, có mầm cánh, nhẩy và bò ngang, hoạt động rất linh hoạt. Ngay sau khi trứng nở ra rầy non đã bắt đầu chích hút nhựa ở cuống lá, phiến lá làm chóp lá khô, vàng thành từng chòm trên ruộng. Rầy phát triển rộ, gây hại nặng ở nhiệt độ cao (từ 19 - 30oC) thường xẩy ra từ tháng 5 kéo dài đến đầu tháng 10 cho nên lạc bị "cháy rầy" thường từ giai đoạn đâm tia, làm quả, đặc biệt gây hại nặng hơn trong vụ lạc thu so với lạc xuân. Ông nên kiểm tra và xem xét các điều gợi ý trên xem có phù hợp với trường hợp ruộng lạc của nhà ông không? Nếu phù hợp có thể khắc phục hiện tượng trên bằng các biện pháp sau: trồng các giống lạc mặt lá có nhiều lông mà có năng suất cao, tuân thủ gieo đúng thời vụ thích hợp, luân canh lạc với cây ngũ cốc. ở  thời kỳ cây con (trước đâm tia) kiểm tra rầy xanh trên ruộng nếu thấy rầy non (tuổi 2 - 3) xuất hiện nhiều có thể phun ngay một trong các loại thuốc trừ rầy như Trebon 10 EC, hoặc Admire 50 EC, Bassa 50 EC v.v... theo chỉ dẫn ở nhãn thuốc.

Gửi câu hỏi của bạn