Thứ Sáu, 19/4/2024
Đánh giá tình hình phát sinh, gây hại và giải pháp quản lý sâu keo mùa thu hại ngô trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục và trạm Trồng trọt & BVTV Hạ Hòa kiểm tra sâu keo mùa thu hại ngô

Phú Thọ với diện tích gieo trồng cây nông nghiệp khoảng trên 120 nghìn ha/năm, trong đó cây lúa trên 65 nghìn ha/năm, cây ngô 16,7 nghìn ha/năm, cây rau,  màu 14 nghìn ha/năm, cây lạc 3,8 nghìn ha/năm, cây sắn khoảng 7 nghìn ha/năm, cây chè 16 nghìn ha/ năm, cây ăn quả khoảng trên 13 nghìn ha/năm, cây trồng khác 2.510 ha (cây đỗ, đậu, khoai lang, …).

Riêng cây ngô được gieo trồng tại tỉnh với tổng diện tích hàng năm khoảng 16.700 ha: Trong đó vụ xuân khoảng trên 5 ngàn ha, vụ hè thu trên 4 ngàn ha, còn lại là vụ đông trên 7 nghìn ha. Các huyện có diện tích trồng ngô nhiều hàng năm như: Hạ Hòa, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Yên Lập, Phù Ninh, Đoan Hùng,…. Các giống chủ yếu là: LVN99, NK6253, DK 9955,, Dk 8868, CP511, CP 512, NK4300, NK919, LVN61, DK6919,… Trong thời gian vừa qua, cây ngô bị sâu keo mùa thu tấn công và gây hại mạnh ở một số diện tích đất bãi ven sông, suối. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và Chính quyền các cấp, sự cố gắng của bà con nông dân, đối tượng này đã được phòng trừ, quản lý chặt chẽ, không có khả năng bùng phát thành dịch, gây thiệt hại về năng suất. Chúng tôi xin đánh giá lại tình hình phát sinh, gây hại và đề xuất một số giải pháp để quản lý chặt chẽ trong thời gian tới như sau:

1. Tinh hình phát sinh, gây hại:

Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loại sinh vật ngoại lai, đã xuất hiện rải rác và gây hại nhẹ trên ngô ở Phú Thọ từ một vài năm trước đây. Tuy nhiên, do quá trình tích lũy mật độ, kết hợp điều kiện thời tiết thuận lợi, vụ xuân năm 2019, chúng đã xuất hiện và gây hại cục bộ một số diện tích trồng ngô bãi ở một số huyện như: Thanh Sơn, Phù Ninh, Thanh Thuỷ, Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê..... Trong đó, các giống ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nhiều hơn: CP511, CP 512, NK4300, NK919, LVN61:

- Vụ Xuân năm 2019: Diện tích trồng ngô là 5.655 ha. Diện tích nhiễm sâu keo mùa thu là 85,59 ha; trong đó; nhiễm nhẹ là 85,08 ha, nhiễm trung bình 0,44 ha; nhiễm nặng 0,07 ha (Đoan Hùng). Mật độ sâu phổ biến 0,1 - 2 con/m2 , cao 3 - 4 con/m2  cục bộ ruộng 7-12 con/m2.

- Vụ Hè thu năm 2019: Do điều kiện thời tiết nóng ẩm, kết hợp với việc đã có sẵn nguồn trên đồng ruộng, sâu keo mùa thu có chiều hướng gia tăng gây hại. Diện tích trồng ngô vụ Hè thu là 3.386 ha/4.170ha KH; Diện tích nhiễm 520,7 ha tại hầu hết các huyện, thành, thị trong đó: nhiễm nhẹ 282,9 ha; nhiễm trung bình 195,9 ha; nặng 41,9 ha (Phù Ninh, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Ba). Mật độ sâu keo mùa thu phổ biến 2 - 4 con/m2 , cao 8 - 10 con/m2  cục bộ ruộng 12-18 con/m2.

- Đặc điểm phát sinh, gây hại: Ngoài các đặc điểm phát sinh, gây hại theo các tài liệu hướng dẫn của Cục BVTV, qua điều tra, theo dõi, chúng tôi thấy loài sâu này có một số đặc điểm mới, khác biệt với tài liệu trước đây:

+ Chỉ gây hại trên ngô, qua điều tra, phát hiện, theo dõi, giám sát, Chi cục chưa phát hiện thấy chúng gây hại trên cây trồng khác.  

+ Trưởng thành hoạt động và đẻ trứng vào ban đêm, ban ngày chúng ẩn náu trong các lùm cây, khe đất và cả trong nõn cây ngô nên rất khó điều tra, phát hiện.

+ Trứng được đẻ thành từng ổ ở cả hai mặt của lá ngô ngay từ khi cây ngô vừa mới nảy mầm.

+ Sâu non ăn hại lá, đỉnh sinh trưởng, ẩn náu trong nõn ngô, khi trời nắng nóng hoặc giai đoạn ngô mới gieo, sâu non sống cả dưới đất (Dưới gốc cây ngô), ban đêm mới gây hại.

+ Nhộng có thể làm cả trên nõn ngô hoặc các bộ phận khác của cây ngô đang bị gây hại.

Đặc điểm, triệu chứng gây hại của Sâu Keo mùa thu trên cây ngô


2. Công tác chỉ đạo, điều tra phát hiện và kết quả phòng trừ:

-  Về điều tra, phát hiện: Thực hiện chỉ đạo của Cục BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã điều tra, dự tính dự báo nắm bắt tình hình sâu keo mùa thu, tiến hành thu mẫu sâu hại gửi về Trung tâm BVTV Phía Bắc để phân tích giám định. Đồng thời, Chi cục cũng đã bắt mẫu về nuôi trong nhà lưới và đã so sánh cùng những hình ảnh của loài sâu keo mùa thu. Với kết quả giám định, Chi cục khẳng định chính thức sự xuất hiện của chúng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào tháng 4/2019 (Cùng với xác nhận sự xuất hiện của sâu keo mùa thu trên địa bàn các tỉnh trong cả nước).

- Về công tác chỉ đạo: Trước tình hình phát sinh và gây hại của đối tượng mới, để chủ động phòng trừ kịp thời và hiệu quả loài sâu này, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tham mưu cho UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản số 1924/UBND-KTN ngày 10/5/2019 về việc phòng chống sâu keo mùa thu; Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản số 577/SNN-TT&BVTV ngày 07 tháng 5 năm 2019 về phòng chống sâu keo mùa thu, văn bản số 788/SNN-TT&BVTV ngày 12/6/2019 về việc tăng cường chỉ đạo phòng chống sâu sâu keo mùa thu trên ngô hè thu 2019. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật ban bành văn bản số 73/TT-BVTV Ngày 12 tháng 3 năm 2019, về việc điều tra và theo dõi loài sâu keo mùa thu. Ban hành thông báo  số 169/TB-BVTV ngày 12 tháng 6 năm 2019 về tình hình sâu keo mùa thu hại ngô hè thu và biện pháp chỉ đạo phòng trừ.

- Về thử nghiệm thuốc BVTV: Ngày 26 tháng 3 năm 2019, Chi cục đã chỉ đạo làm thực nghiệm 9 công thức phun thuốc BVTV với các liều lượng, nông độ khác nhau của một số hoạt chất như: Chlorpyrifos Ethyl, Imidacloprid + Emamectin benzoate; Emamectin benzoate + Alfa- cypermethrin; Abamectin + Alfa- cypermethrin ; Chlorpyrifos Ethyl, Cypermethrin + Emamectin benzoate, …. . Kết quả đánh giá sau 01 ngày khi phun, một số hoạt chất như: Chlorpyrifos Ethyl, Imidacloprid (Hổ chiến 999) kết hợp với hoạt chất Emamectin benzoate (Angun 5WG) đạt hiệu quả phòng trừ đến 94%. Emamectin benzoate (Actimax 50 WG, Dylan 2.0 EC…)  + Alfa- cypermethrin (Fastac 5 EC) đạt hiệu quả 92%. Tiếp đó phối hợp với Công Ty Nikco phun thử nghiệm thuốc Emaben 2.0 EC hoạt chất Emamectin benzoate phun với nồng độ  khác nhau (Từ 0,1 - 0,3%), kết quả cho thấy thuốc Emaben 2.0 EC phun ở các nông độ đều có hiệu lực cao, đặc biệt ở nồng độ 0,3% đạt hiệu quả phòng trừ sau 1 ngày trên 98%. Trên cơ sở đó, Chi cục cũng đã chỉ đạo, tham mưu các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc có hoạt chất trên để phun trừ cho sâu keo hại ngô có hiệu quả. Như vậy, có thể khẳng định, việc đưa thông tin sâu keo mùa thu có tính kháng thuốc BVTV hoặc phun thuốc nhiều lần mà sâu không chết là không có cơ sở. Ngược lại, có rất nhiều hoạt chất, thuốc BVTV có thể phun trừ sâu keo mùa thu có hiệu quả cao, tuy nhiên phải áp dụng và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng.

- Về thử nghiệm giống ngô: Chi cục đã phối hợp với Công ty TNHH Dekalb Việt Nam tổ chức tập huấn cho 50 cán bộ, gồm Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh, Phòng Nông Nghiệp, Trạm Khuyến Nông, Trạm TT&BVTV của 13 huyện, thành, thị về cách điều tra, nhận biết và các biện pháp phòng trừ Sâu keo mùa thu hại ngô. Tổ chức xây dựng và thăm quan mô hình trồng ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân, đục bắp như giống ngô DK6919 và DK 9955 kết quả cho thấy giống ngô này không bị sâu keo mùa thu gây hại.

- Về công tác tuyên truyền: Chi cục đã phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh làm 01 chuyên mục và 01 phóng sự về sâu keo mùa thu hại ngô, viết 01 bài đăng trên báo Phú Thọ, 02 bài trên trang thông tin điện tử của Sở NN & PTNT và của Chi cục, viết tin bài gửi cho các xã và thị trấn trên địa bàn tỉnh phát trên loa truyền thanh của địa phương nhằm tuyên truyền cho bà con nông dân biết cách để phòng trừ có hiệu quả với loại sâu này. Phối hợp với Trung Tâm BVTV Phía Bắc điều tra, theo dõi tình hình phát sinh và gây hại của sâu keo mùa thu tại huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy và Hạ Hòa.

- Kết quả phòng trừ:  Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, công tác điều tra, phát hiện và tham mưu chỉ đạo phòng trừ được thực hiện tốt; đồng thời, đẩy mạnh  công tác tuyên truyền, hướng dẫn  phòng trừ sâu keo mùa thu, đến tại thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã kiểm soát được sâu keo mùa thu, không để xảy ra tình trạng sâu keo mùa thu bùng phát và gây hại, ảnh hưởng đến năng suất cây ngô.

3. Giải pháp quản lý sâu keo mùa thu trong thời gian tới:

* Giải pháp về công tác tuyên truyền:

Tiếp tục tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời cho cán bộ quản lý nông nghiệp các cấp, nhất là KNCS và nông dân hiểu rõ về sâu keo mùa thu (Nguồn gốc, đặc điểm phát sinh, gây hại và các biện pháp phòng chống), tránh tuyên truyền theo hướng cực đoan, thái quá làm cho nông dân hoang mang sẽ dẫn đến phản tác dụng. Tuyên truyền, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng và mở rộng mô hình Tổ dịch vụ BVTV ở cơ sở giúp nông dân phòng trừ.

* Về giải pháp về kỹ thuật:

- Tiếp tục chỉ đạo áp dụng biện pháp Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp canh tác, biện pháp thủ công để phòng ngừa với phương châm phòng là chính, trừ là quan trọng, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi mật độ sâu hại vượt ngưỡng (4 con/m2). Ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng các giống ngô chuyển gen (DK 9955S, DK 6919S,...) để hạn chế tác hại của sâu hại.

- Tiếp tục điều tra DTDB, bám sát đồng ruộng tham mưu các Cấp ủy, Chính quyền địa phương chỉ đạo và hướng dẫn nông dân phòng trừ đạt hiệu quả cao đảm bảo an toàn cho sản xuất.

-  Khi mật độ sâu non từ 4 con/m2 trở lên, có xu thể gia tăng thì sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng trong phòng trừ. Trước mắt tạm thời sử dụng một số hoạt chất và thuốc để trừ Sâu keo mùa thu như: Hoạt chất Emamectin benzoate (ví dụ như thuốc: Emaben 2.0 EC, Dylan 2.0 EC; Tasieu 3.6EC, Angun 5WG, Actimax 50 WG, Emagold 160SC,...); Indoxacarb (ví dụ như: Clever 300WG, 150SC; Millerusa 400SC, Indogold 150SC...). Phun khi sâu tuổi 1-3, trong trường hợp mật độ sâu cao thì phun 2 lần cách nhau từ 3 đến 5 ngày, phun bằng động cơ điện, máy động cơ với mắt mèo chụp, phun ướt đều hai mặt lá và nõn ngô hoặc máy bay không người lái, thời điểm phun tốt nhất là phun vào buổi chiều tối. Nếu sâu tuổi lớn thì có thể hỗn hợp 2 loại thuốc có hoạt chất nêu trên như: hoạt chất (Indoxacarb + Emamectin benzoate).  Lưu ý: Do đối tượng sâu keo mùa thu gối nhiều lứa trong vụ nên cần điều tra dự tính dự báo kịp thời để có hướng dẫn phun phòng trừ có hiệu quả.

* Về công tác chỉ đạo:

Cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cả Hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở; đề cao vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

4. Kiến nghị, đề xuất:

Để tiếp tục quản lý chặt chẽ sâu keo mùa thu hại ngô trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:

- Đề nghị Cục Bảo vệ thực vật:

+ Xem xét về tên gọi của loại sâu này (Sâu keo mùa thu). Đặt lại tên loại sâu này theo xuất sứ của chúng (Sâu Keo châu mỹ), tránh nhầm lẫn về chữ "mùa thu" gây hiểu nhầm; sớm bổ sung các hoạt chất, nhóm thuốc để sử dụng tạm thời và ban hành danh mục thuốc BVTV sử dụng đối với loài sâu này.

+ Đề xuất và triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ về sâu keo mùa thu; Phối hợp Cục Trồng trọt lựa chọn và giới thiệu một số giống ngô kháng, chống chịu với sâu keo mùa thu để các địa phương gieo trồng.

- Đề nghị UNND các huyện, thành, thị: Tiếp tục chỉ đạo các phòng, trạm trực thuộc hướng dẫn nông dân gieo trồng tập trung, đúng thời vụ để hạn chế tác hại của sâu, áp dụng đồng bộ các giải pháp nêu trên, tổ chức điều tra, phát hiện sớm, chỉ đạo quyết liệt để phòng trừ sâu keo mùa thu có hiệu quả cao./.

Chi cục Trưởng

Phan Văn Đạo 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn