Thứ Bảy, 20/4/2024
Hiệu quả từ mô hình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi năm 2018
Gửi bài In bài

Phù Ninh: Hiệu quả từ mô hình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi năm 2018

Nguyễn Hữu Đại – Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Phù Ninh

Thực hiện Kế hoạch số 4848/KH-UBND, ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ về đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, năm 2018, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật phối hợp với UBND huyện Phù Ninh, UBND xã Phú Lộc triển khai mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây Bưởi tại khu 3, khu 9 xã Phú Lộc. Thông qua kết quả mô hình nhằm tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi, giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, sử dụng phân hữu cơ tại chỗ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, người nông dân tiếp cận với nền canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Kết quả thực tế của mô hình là cơ sở để tuyên truyền, ứng dụng khuyến cáo nhân rộng mô hình ra diện rộng trên địa bàn huyện.

Mô hình thực hiện theo quy trình chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi. Thời gian thực hiện từ tháng 04/2018 đến tháng 11/2018. Diện tích mô hình là 2,0 ha, với sự tham gia của 06 hộ nông dân, cán bộ khuyến nông xã và cán bộ kỹ thuật Chi cục trồng trọt và BVTV Phú Thọ. Hàng tuần, cán bộ Chi cục trồng trọt & BVTV, cán bộ khuyến nông xã và hộ nông dân tham gia mô hình tổ chức điều tra đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây, tình hình sâu bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ trên vườn khi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng. Mô hình sử dụng sản phẩm phân bón, thuốc BVTV chuyên dùng cho cây bưởi. Vườn ứng dụng IPM thực hiện tỉa cành, tạo tán, bón phân cân đối, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo nên cây bưởi cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trên mô hình IPM, cây bưởi có bộ tán khỏe, các đợt lộc ra tập trung, số cành, số lượng lộc nhiều hơn so với tập quán.

Các đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu trên vườn bưởi là sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rệp vảy hồng, bệnh chảy gôm, vườn ứng dụng IPM các đối tượng sâu bệnh gây hại nhẹ hơn so với tập quán. Vườn ứng dụng IPM được phun thuốc phun phòng trừ theo các lứa sâu hại nên chỉ phun 5 lần /năm ít hơn so với vườn tập quán (phun 8 lần/ năm), giảm chi phí sản xuất và tỷ lệ quả bị nám do sâu bệnh gây ra cải thiện được mẫu mã quả, tăng giá trị kinh tế. Mô hình IPM sử dụng các chế phẩm vi sinh, mùn và phân bón vi lượng đã tăng độ phì nhiêu của đất, cây bưởi  sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế rụng quả non, tăng độ ngọt quả bưởi khi thu hoạch và chống chịu sâu bệnh tốt hơn, cho năng suất chất lượng quả cao hơn tập quán không sử dụng các chế phẩm. Mô hình IPM sử dụng bao quả (dạng lưới trắng), bao quả vào cuối tháng 5 khi số quả trên cây đã ổn định và bỏ bao vào cuối tháng 9 khi đã hết ruồi vàng. Kết quả cho thấy quả bưởi sáng đẹp, không bị vết côn trùng trích hút, làm tăng giá trị quả bưởi.

Tại vườn bưởi ứng dụng IPM có độ tuổi từ 8-10 năm, số lượng quả cho thu hoạch trung bình đạt 79 quả/cây, cao hơn so với tập quán 16 quả/cây, quả loại A nhiều hơn. Theo phân loại của người sản xuất bưởi : Bưởi loại A (mẫu mã đẹp, đều, nặng tầm 0,8 - 0,9kg/quả và mọng nước, chất lượng ngon) giá bán 25.000 đồng/quả. Bưởi loại B (giò) giá bán là 15.000 đồng/quả. Bưởi loại C (ngốp, bi), giá bán từ 5.000-10.000 đồng/quả. Những vườn sản xuất bưởi ứng dụng IPM có tỷ lệ quả loại A là 41%, tỷ lệ quả loại B là 49%, tỷ lệ loại C là 10%; vườn sản xuất theo tập quán có tỷ lệ quả loại A là 28%, tỷ lệ quả loại B là 48 %, tỷ lệ loại C là 24%. Sơ bộ đánh giá hiệu quả kinh tế tại vườn IPM  cho lãi gần 400 triệu đồng/ha, cao hơn so với tập quán 83 triệu đồng/ha.


Đại biểu thăm quan mô hình IPM trên cây bưởi Diễn tại hộ ông Tạ Văn Tâm

(Khu 3, xã Phú Lộc huyện Phù Ninh)

 

Sau khi thăm vườn, kiểm tra, đánh giá thực tế chất lượng quả bằng cản quan, các đại biểu nông dân trồng bưởi tại xã Phú Lộc và các xã Gia Thanh, Bảo Thanh, Trung Giáp, Hạ Giáp, Tiên Du, Thị trấn Phong Châu,... đều nhận thấy sự khác biệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả của mô hình IPM so với đối chứng và xác định đây là biện pháp tốt để cây bưởi ở Phù Ninh có thể phát triển hiệu quả và bền vững./.

 

 

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn