Thứ Ba, 23/4/2024
Quản lý tốt vật tư nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm
Gửi bài In bài

Phú Thọ được biết đến là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương làng Bợ, gà cựa Tân Sơn… Để nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi (vật tư nông nghiệp) của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

 

Dây chuyền sản xuất phân bón hàm lượng cao của Xí nghiệp NPK4 thuộc Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao


Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phân bón, hóa chất cơ bản phục vụ nông nghiệp đóng trên địa bàn huyện Lâm Thao. Xác định đối tượng phục vụ là người nông dân, với mục tiêu giúp người nông dân vượt khó, làm giàu trên chính thửa ruộng, vườn đồi của mình, Công ty luôn nỗ lực không ngừng để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt và giá bán hợp lý để nâng cao chất lượng, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp. Trong năm 2019, Công ty đã cung cấp ra đồng ruộng 758.961 tấn phân bón. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.029 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 41,4 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Thành - Phó Trưởng phòng kinh doanh, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Với mục tiêu phát triển bền vững, Công ty tiếp tục từng bước cải tiến dây chuyền, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty phối hợp với các cơ quan khuyến nông của tỉnh để xác định rõ vùng chuyên canh, từng vùng đất, từng loại cây trồng để đưa sản phẩm đến vùng tiêu thụ cho phù hợp. Đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống cung ứng bán hàng, phân quyền tới hệ thống cấp 2, 3 cho phù hợp với tình hình thực tế về xu hướng sản xuất, kinh doanh phân bón trên thị trường. Dự kiến đến hết năm 2020, doanh thu tiêu thụ đạt 3.140 tỷ đồng, tổng sản lượng phân bón tiêu thụ là 760.000 tấn; nộp ngân sách nhà nước 41,5 tỷ đồng.

Bên cạnh Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao còn có Công ty TNHH Miwon Việt Nam, Công ty TNHH ĐTK Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại Thân Yến cũng chuyên sản xuất phân bón. Tổng sản lượng sản xuất trung bình hằng năm đạt gần 1,5 triệu tấn, trong đó sản xuất phân bón vô cơ là chủ yếu.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh hiện nay có 14 doanh nghiệp sản xuất, buôn bán phân bón được tỉnh cấp giấy phép kinh doanh; 825 cơ sở, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do cấp huyện quản lý bao gồm các đại lý phân phối, cửa hàng chuyên và cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Qua khảo sát tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hầu hết các cơ sở kinh doanh đã chấp hành tốt các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, thực hiện tốt các quy định về niêm yết giá và công bố chất lượng hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở khu 6, xã Phú Nham (huyện Phù Ninh) cho biết: Hàng hóa chúng tôi nhập về chủ yếu của các đơn vị có uy tín như: Nhà máy Phân lân nung chảy Văn Điển; Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao; Nhà máy Đạm Hà Bắc… để phục vụ sản xuất của bà con nông dân. Cửa hàng luôn niêm yết giá công khai các mặt hàng bày bán để người dân nắm được. Ngoài ra, chúng tôi còn tư vấn cho khách hàng cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng.


Đoàn thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn)


Tuy nhiên bên cạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giá và niêm yết giá bán hàng hóa, bán hàng có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo cho bà con nông dân được mua các loại vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp với giá cả hợp lý thì việc quản lý kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do các mặt hàng vật tư nông nghiệp đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Cùng với đó, quy mô buôn bán chủ yếu nhỏ lẻ, mang tính thời vụ nên việc kiểm soát kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp tại các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện 11 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 44 lượt tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; lấy 70 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 26 mẫu phân bón gửi kiểm định chất lượng. Ra quyết định xử phạt 8 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 19,6 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Từ đó góp phần đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh và chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Bên cạnh công tác kiểm tra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tuyên truyền, tập huấn pháp luật về trồng trọt và bảo vệ thực vật cho các hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên địa bàn, đồng thời tích cực tuyên truyền cho các hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật duy trì đủ điều kiện buôn bán theo quy định của pháp luật.

Ông Phan văn Đạo - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để tăng cường hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quản lý về phân bón, thốc Bảo vệ thực vật. Chi cục sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyên môn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cường công tác lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kiểm định chất lượng, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Thời điểm này, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang cung ứng cho người dân các giống lúa, ngô, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ sản xuất vụ xuân. Do vậy, để đảm bảo một vụ sản xuất đạt năng suất cao và bền vững, người dân nên mua vật tư nông nghiệp tại các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các loại sản phẩm, bên cạnh đó cần kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác để đảm bảo mua được sản phẩm chất lượng.

 

Nguyễn Liên - PhuthoPortal

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn