Thứ Sáu, 19/4/2024
Tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương kiểm tra, chỉ đạo sản xuất tại Lâm Thao - Ảnh: Phan Văn Đạo

Phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, hàng năm được sử dụng với số lượng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất và sử dụng phân bón cân đối, đúng cách góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản và duy trì độ phì nhiêu của đất. Theo xu thế chung hiện nay, tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sử dụng phân bón mất cân đối còn phổ biến, việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ chưa nhiều, để lãng phí nguồn nguyên liệu sẵn có, làm giảm chất lượng và rút ngắn thời gian bảo quản nông sản phẩm trong thực tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết năm 2019, số lượng phân bón đã được công nhận lưu hành là 23.097 sản phẩm, trong đó phân bón vô cơ: 19.049 sản phẩm (chiếm 82,5%), phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học): 4.048 sản phẩm (chiếm 17,5%). Như vậy, cơ cấu số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đã giảm từ 93,7% xuống còn 82,5% và số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ đã tăng từ 6,3% lên 17,5% so với năm 2018. Hiện nay, cả nước có tổng số 814 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất sản xuất là 32,27 triệu tấn/năm. Trong đó, 576 nhà máy sản xuất phân bón vô cơ (công suất 28,8 triệu tấn/năm, chiếm 89,3%), 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (công suất 3,47 triệu tấn/năm, chiếm 10,7%). Số liệu trên cũng cho thấy sản phẩm phân bón hữu cơ vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp so với phân bón vô cơ cả về cơ cấu số lượng sản phẩm cũng như công suất sản xuất.

Đối với tỉnh Phú Thọ, hiện trên địa bàn có 06 doanh nghiệp sản xuất phân bón, trong đó có 04 doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ. Theo thống kê, tổng lượng phân bón sản xuất năm 2019 là 861.818,0 tấn, trong đó phân bón vô cơ là 807.310,0 tấn và phân bón hữu cơ là 54.508,0 tấn (khối lượng phân bón vô cơ gấp gần 15 lần khối lượng phân bón hữu cơ sản xuất ra). Ngoài ra, còn có một số sản phẩm phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh như phân bón Quế Lâm, Đầu Trâu, Azotobacterin... do các doanh nghiệp sản xuất ngoài tỉnh đưa vào cung ứng trên thị trường Phú Thọ. Về kinh doanh: Hiện toàn tỉnh có 08 doanh nghiệp và 825 cửa hàng, đại lý buôn bán phân bón. Sản lượng phân bón kinh doanh, sử dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2019 là 110.216,5 tấn, trong đó phân bón vô cơ 97.027,1 tấn chiếm 95,86%, phân bón hữu cơ 4.148,4 tấn chiếm 4,10%, phân bón lá và phân bón khác 41,0 tấn chiếm 0,04%. Về chủng loại phân bón lưu thông trên địa bàn tỉnh 142 loại, trong đó phân bón vô cơ 76 loại chiếm 53,52%, phân bón hữu cơ 17 loại chiếm 11,97%, phân bón lá và phân bón khác 49 loại chiếm 34,31%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng phân bón hằng năm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh là rất lớn: Ước tính khoảng trên 4 triệu tấn phân bón hữu cơ, gần 80 ngàn tấn NPK5.10.3, 50 ngàn tấn NPK12.5.10, 40 ngàn tấn Supe lân, 14 ngàn tấn đạm urê, 10 ngàn tấn kali clorua,... Song, lượng phân bón hữu cơ được sản xuất, cung cấp cho cây trồng hằng năm chỉ chiếm tỷ lệ thấp so với nhu cầu do người dân tự ủ phân chuồng, phân xanh… từ tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và phân bón hữu cơ công nghiệp như phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh của các doanh nghiệp cung ứng thông qua các chương trình, dự án (Dự án WB7, chương trình nông thôn mới, chương trình hỗ trợ sản xuất...). Nguyên nhân lượng phân hữu cơ nông dân sử dụng chiếm tỷ lệ còn hạn chế so với tổng lượng phân bón cần đầu tư hằng năm là do người dân chưa chủ động kỹ thuật ủ phân tại chỗ; một số doanh nghiệp chưa chủ động cơ cấu lại sản phẩm, chưa chú trọng sản xuất phân hữu cơ; giá các loại phân hữu cơ công nghiệp trên thị trường còn cao, đặc biệt đối với các loại phân hữu cơ vi sinh; chủng loại phân bón hữu cơ chưa đa dạng để người nông dân lựa chọn cho từng loại cây trồng...

Tại Diễn đàn khoa học “Phát triển nông lâm nghiệp theo phương thức tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ cũng đã có báo cáo đánh giá: Tiềm năng sinh khối trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ là rất lớn, đây là nguồn sinh khối quan trọng, là lợi thế để có thể tuần hoàn sản xuất thành phân bón hữu cơ và các sản phẩm hữu dụng khác phục vụ tái sản xất nông lâm nghiệp, cụ thể: Với diện tích gieo trồng cây hàng năm của Phú Thọ đạt trên 110 ngàn ha, trong đó cây lương thực có hạt trên 78 ngàn ha; diện tích cây lâu năm trên 31 ngàn ha, trong đó, cây chè 16 ngàn ha, cây ăn quả trên 13 ngàn ha,... Trong quá trình canh tác, chăm sóc, các công việc như cắt tỉa, thu hoạch, sơ chế,… có phát sinh các chất thải, phế phụ phẩm (Rơm, rạ, trấu, thân, cành, lá, rễ, quả,…) với khối lượng khoảng trên 800 nghìn tấn/năm (Trong đó: Rơm rạ 350 nghìn tấn, trấu 7,2 nghìn tấn; 300 nghìn tấn thân, lõi ngô,...). Về chăn nuôi, Phú Thọ hiện có tổng đàn trâu 61,4 nghìn con; tổng đàn bò 116,5 nghìn con; tổng đàn lợn 609 nghìn con, tổng đàn gia cầm là 15 triệu con. Tổng số hộ tham gia chăn nuôi khoảng 230 nghìn hộ, chiếm 60,08% so tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh; số trang trại chăn nuôi là 254 trang trại và khoảng 4,3 nghìn gia trại chăn nuôi các loại. Ước tính tổng lượng chất thải rắn (phân gia súc, gia cầm) phát sinh trong quá trình chăn nuôi khoảng 2 triệu tấn/năm. Về lâm nghiệp, diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng của tỉnh là 188.139,4 ha (gồm: Diện tích quy hoạch phát triển rừng: 171.459,1ha; diện tích rừng ngoài quy hoạch: 16.680,3 ha), trong đó: Đất có rừng là 127.106,2 ha (Rừng tự nhiên: 47.889,9 ha; rừng trồng: 79.216,3 ha). Diện tích khai thác rừng trồng năm 2019 ước đạt trên 10 nghìn ha. Khối lượng phụ phẩm phát sinh từ lâm nghiệp ước tính gần 700.000 m3/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ phế phụ phẩm nông lâm nghiệp được tận thu, tái chế, sử dụng còn ít; một lượng lớn chất thải, phế phụ phẩm nông lâm nghiệp sau thu hoạch bị loại bỏ không qua xử lý gây lãng phí tài nguyên sinh khối và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là một số doanh nghiệp chăn nuôi chưa có giải pháp xử lý chất thải triệt để gây ô nhiễm môi trường. Đây là một vấn đề nan giải gây thất thoát, lãng phí nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ sẵn có trên địa bàn tỉnh.

Từ những phân tích trên, để góp phần thúc đẩy việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tạo động lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh cần tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.

Ngày 07/01/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV; Ngày 18/02/2020, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn số 533/UBND-KTN về tăng cường phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành chức năng cần triển khai tốt một số nội dung:

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phân bón và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các chủ trương, chính sách phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn toàn tỉnh: Luật Trồng trọt; Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/8/2019 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;

Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối, an toàn và hiệu quả; ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, nhất là đối với các cây trồng chủ lực (bưởi, chè, lúa chất lượng cao…) để thúc đẩy sản xuất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn góp phần cải thiện chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả của sản xuất; hướng dẫn xử lý, chế biến, ủ phân compost từ các nguồn chất thải của các cơ sở chăn nuôi, các nguồn nguyên liệu từ trồng trọt sẵn có trên địa bàn tỉnh trong đó chú trọng sử dụng có hiệu quả các nguồn phân hữu cơ tại các cơ sở chăn nuôi theo đúng quy trình để trở thành phân hữu cơ đảm bảo chất lượng theo quy định.

Trước mắt, rà soát, xây dựng kế hoạch nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chuỗi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tổ chức chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện ngay trong vụ Xuân năm 2020. Bổ sung, bố trí các mô hình đồng thời có giải pháp hỗ trợ sử dụng phân hữu cơ để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Về lâu dài, cần ưu tiên đề xuất, phân bổ kinh phí cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ về phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có nhằm cung cấp sản phẩm phân bón hữu cơ tại chỗ, giá thành hợp lý góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường hoạt động thu hút, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ trên địa bàn tăng cường nghiên cứu, đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống phân phối nhằm cung cấp phân hữu cơ tại chỗ, giá thành hợp lý. Đẩy mạnh xây dựng, tổ chức áp dụng các mô hình, chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, vận động các doanh nghiệp áp dụng cơ chế bán hàng "chậm trả" cho ngưởi nông dân để tăng cường đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, cần đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ảnh hướng xấu đến môi trường và gây bức xúc trong nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường, nhất là đối với chất lượng các loại phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Phú Thọ, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đoàn thể và sự nỗ lực, hưởng ứng của toàn thể nông dân, hy vọng việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ sẽ được đẩy mạnh, tỉnh Phú Thọ sẽ hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững/.

Chi cục trưởng: Phan Văn Đạo

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn