Thứ Năm, 18/4/2024
THÔNG BÁO CAO ĐIỂM SÂU BỆNH VỤ XUÂN NĂM 2011 VÀ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ
Gửi bài In bài

Hiện nay, các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ bông, đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh hại và dễ gây tổn thất lớn về năng suất. Theo kết quả tổng điều tra sâu bệnh trên toàn tỉnh từ ngày 12 - 14/5/2011, trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại và có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới, cụ thể:

I/ DIỄN BIẾN CÁC ĐỐI TƯỢNG SÂU BỆNH VÀ DỰ BÁO:

1, Rầy các loại (Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xám):

* Hiện tại: Rầy lứa 3 xuất hiện ở hầu hết các huyện, mật độ trung bình 100 - 200 con/m2, cao 800 - 1.400 con/m2, phát dục chủ yếu tuổi 1, 2, 3 (Cẩm Khê phát dục sớm hơn tuổi 3, 4, TT). Mật độ trứng trung bình 40 - 100 quả/m2, cao 400 - 800 quả/m2, cục bộ 1.500 quả/m2; Như vậy mật độ đều chưa đến ngưỡng phòng trừ.

Riêng huyện Tân Sơn mật độ một số nơi cao 3.000 - 5.000 con/m2, cá biệt ổ nhỏ 8.000 - 9.000 con/m2 (Xã Mỹ Thuận) đã vượt ngưỡng phòng trừ.

Tổng diện tích nhiễm 1.288,4 ha, trong đó nhiễm nhẹ 754,8 ha, nhiễm trung bình 407,8 ha, nhiễm nặng 25,7 ha. Diện tích đã phòng trừ 159,1 ha.

* Dự báo: Rầy tiếp tục tích luỹ và nhân chuyển lứa gia tăng nhanh mật độ; rầy cám lứa 4 nở rộ vào đầu tháng 6 với mật độ rất cao, gây hại nặng các trà lúa giai đoạn trỗ - ngậm sữa - chắc xanh và có khả năng gây cháy cục bộ nếu không được phòng trừ. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 8.000 ha, các huyện cần chú ý: Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hoà, Thanh Ba, Thanh Sơn, Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Đoan Hùng, ...

2, Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh gây hại trên tất cả các trà, tỷ lệ dảnh hại trung bình 4,4 - 11,5%, cao 20 - 40%, cục bộ ổ nhỏ 50 - 80% (Hạ Hoà, Phú Thọ, Lâm Thao, Yên Lập, Cẩm Khê).

Tổng diện tích nhiễm 6.862,8 ha, trong đó nhiễm nhẹ 4.187 ha, nhiễm trung bình 2.176,8 ha, nhiễm nặng 498,4 ha. Diện tích đã phòng trừ 2.583,7 ha.

* Dự báo: Bệnh tiếp tục lây lan, phát triển nhanh trên tất cả các trà trong thời gian tới do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ và giai đoạn cây lúa đang rất phù hợp cho bệnh phát triển. Bệnh gây hại nặng trên các ruộng bón nhiều đạm xanh tốt, lá rậm rạp, ruộng bị hạn,... Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 12.000 ha. Các huyện cần chú ý: Hạ Hoà, Phú Thọ, Lâm Thao, Đoan Hùng, Yên Lập, Tân Sơn, Cẩm Khê, Việt Trì.

3, Bệnh đạo ôn:

* Hiện tại: Nguồn bệnh đã xuất hiện rải rác trên các trà ở hầu hết các huyện, tỷ lệ hại trung bình 0,2 - 0,6 %, cao 3 - 8%, cục bộ ổ nhỏ 12 - 15% (Hạ Hoà, Đoan Hùng, Yên Lập, Tân Sơn). Diện tích nhiễm 1.370,9 ha, trong đó nhiễm nhẹ 837,1 ha, nhiễm trung bình 461,4 ha, nhiễm nặng 72,3 ha. Diện tích đã phòng trừ 956,6 ha.

* Dự báo: Điều kiện thời tiết có nắng mưa xen kẽ hoặc ẩm độ không khí cao (Đọng sương trên lá vào sáng sớm), trên những ruộng, khu ruộng đã có nguồn bệnh đạo ôn lá, bệnh sẽ lây lan, phát triển gây hại trên cổ bông làm ảnh hưởng lớn tới năng suất. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phú Thọ, Lâm Thao, .. .

4, Ngoài ra: Chuột, sâu đục thân, bọ xít dài, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá gây hại nhẹ, cục bộ ổ nhỏ diện hẹp gây hại nặng. Thời gian tới cần tiếp tục theo dõi và phòng trừ khi đến ngưỡng.

II/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1, Biện pháp chỉ đạo:

a, Đề nghị UBND các huyện:

Trong cao điểm sâu bệnh từ nay đến 15/6/2011, phân công cán bộ xuống các xã kiểm tra, đôn đốc công tác phòng trừ sâu bệnh. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động cán bộ khuyến nông cơ sở, bà con nông dân tổng kiểm tra ngay đồng ruộng, phát hiện kịp thời và phun triệt để các ổ sâu bệnh theo hướng dẫn của ngành BVTV.

Chỉ đạo Đài PTTH huyện, đài truyền thanh xã tăng thời lượng thông tin tình hình sâu bệnh và biện pháp phòng trừ; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lợi dụng cao điểm bán sai thuốc, bán thuốc kém chất lượng và nâng giá bán.

b, Giao Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thành, thị:

Huy động toàn bộ lực lượng làm việc cả thứ 7 và chủ nhật, bám sát đồng ruộng, điều tra chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác quy mô, mức độ và vùng gây hại với từng đối tượng, ra thông báo và tham mưu, đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả.

Phối hợp các cơ quan chuyên môn và các xã, phường, thị trấn tập huấn, hướng dẫn cách điều tra phát hện và kỹ thuật phòng trừ cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân; viết bài tuyên truyền thông tin trên hệ thống đài truyền thanh xã. Tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV trong cao điểm, xử lý nghiêm các vi phạm.

Phối hợp các Công ty cung ứng thuốc trên địa bàn, chỉ đạo các đại lý chuẩn bị và cung ứng đầy đủ các thuốc đặc hiệu cho phòng trừ.

2, Kỹ thuật phòng trừ:

Khuyến khích các xã, phường, thị trấn tổ chức phun phòng trừ tập trung theo hình thức tổ dịch vụ dập dịch hoặc dịch vụ cung ứng thuốc tập trung vừa đảm bảo chất lượng thuốc với giá cả hợp lý, vừa đảm bảo đúng thời điểm phòng trừ.

* Với rầy các loại: Chỉ phun trên ruộng có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 (30 con/khóm), sử dụng các loại thuốc nội hấp như Victory 585EC, Ba Đăng 300 WP, Midan 10 WP, Sectox 10WP, Actara 25 WP, ... hỗn hợp với các thuốc Bassa 50 EC, Superista 25 EC, Penalty Gold 50 EC pha theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, phun kỹ vào gốc lúa.

* Với bệnh khô vằn: Ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Validacin 5 SL, Anvil 5SC, Cavil 50 SC, Lervil 5 SC, Tilvil 50 SC, V-T Vil 500 SC,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.

* Với bệnh đạo ôn: Trên ruộng, khu ruộng đã có đạo ôn lá, phải phun phòng đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc đặc hiệu: Bump 650 WP, Kansui 21,2 WP, Bemsuper 75WP, Fu-army 30WP, Katana 20 SC, ... Thời điểm phun tốt nhất trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn