Thứ Năm, 18/4/2024
BỆNH PHẤN TRẮNG HẠI CÂY CAO SU
Gửi bài In bài
Vườn cao su tại xã Phú Hộ - thị xã Phú Thọ

Cây cao su là cây công nghiệp dài ngày, là cây trồng đa tác dụng có triển vọng đang được tỉnh ta quan tâm mở rộng và phát triển trong những năm tới, nhằm tạo ra sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vùng đồi theo hướng sản xuất hàng hoá có quy mô lớn, hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn miền núi.

Quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020 toàn tỉnh ta sẽ trồng 13.450 ha và được thực hiện bắt đầu từ năm 2009. Theo số liệu thống kê đến nay diện tích cây cao su trên toàn tỉnh là trên 120 ha và tập trung chủ yếu tại Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi Phía Bắc và Nông trường Vạn Thắng của huyện Cẩm Khê. Cũng như các loại cây trồng khác, cây cao su thường bị nhiều đối tượng sâu bệnh hại gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây, đặc biệt là bệnh phấn trắng, đây là một trong những bệnh hại cao su phổ biến ở tất cả các nông trường trồng cao su của các tỉnh ở miền Bắc nước ta.

Bệnh phấn trắng do nấm Oidium hevea Stein gây ra và gây hại trên cây cao su ở mọi lứa tuổi, từ vườn ươm, vườn kiến thiết cơ bản đến vườn cao su giai đoạn kinh doanh khai thác mủ, bệnh thường gây hại nặng vào giai đoạn cây cao su bắt đầu ra lá mới và đầu mùa xuân hàng năm.

Bệnh chủ yếu gây hại trên lá, trên nụ và trên hoa. Khi cây đang giai đoạn ra lá non có màu đồng tím thì bệnh thường hại phần phiến lá gần gân chính, làm lá nhăn nheo dị hình rồi chuyển sang màu tím đậm và khô rụng, mặt dưới lá bị bệnh phủ  một lớp nấm phấn trắng. Khi cây giai đoạn trải lá màu xanh vết bệnh biểu hiện là những chấm nhỏ màu vàng nhạt, trên mặt phủ một lớp nấm mỏng mịn, vết bệnh phát triển dần và lớp nấm cũng lan rộng ra phủ kín trên mặt lá. Bệnh hại trên nụ và hoa làm nụ không nở được, hoa héo và rụng, nếu bị nặng toàn bộ nụ và hoa trên chùm rụng hết còn trơ lại cuống phủ một lớp nấm phấn trắng.

Bệnh phát triển và gây hại nặng gây rụng lá, làm chậm thời gian khai thác mủ dẫn đến giảm sản lượng mủ ở vườn cao su giai đoạn kinh doanh và làm chậm tốc độ sinh trưởng, phát triển thậm chí có thể gây chết cây ở những vườn cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản cũng như ở vườn nhân và vườn ươm giống. Bệnh tấn công chủ yếu lá non, làm lá rụng hàng loạt nếu gặp thời tiết lạnh và có sương mù.

Để chủ động phòng trừ bênh phấn trắng hại cây cao su cần áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật như: Bón phân cân đối đạm, lân, kali vào thời kỳ cao su bắt đầu ra lá mới để giúp tầng lá sớm ổn định. Sử dụng giống có khả năng kháng bệnh. Thường xuyên vệ sinh vườn cây trong giai đoạn rụng lá và sau khi rụng lá. Thăm vườn và phát hiện bệnh sớm để phòng trừ kịp thời. Sử dụng các loại thuốc Sulox 80WP, Binhnavil 50SC, ... để phun phòng trừ, thời điểm phun thuốc tốt nhất là giai đoạn búp lá (lá có màu tím nhạt), khi lá chưa hoàn chỉnh về mặt hình thái và nên phun 2 lần, lần thứ 2 cách lần thứ nhất khoảng 2 tuần. Trong giai đoạn này nếu cây chưa bị bệnh có thể phun bổ sung phân bón lá cao cấp Multi -K nhằm tăng khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của cây cao su. Giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhất là những năm đầu nên trồng xen cây cải tạo đất dưới tán cây cao su như cây Kutzud, đậu tương... vừa có tác dụng chống cỏ dại, giữ ẩm cho đất đồng thời bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất giúp cây cao su sinh trưởng nhanh, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

                                                                        KS: Nguyễn Thị Lan Phương

                                                                         Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn