Thứ Bảy, 20/4/2024
PHÒNG TRỪ BỆNH ĐỐM SỌC VI KHUẨN HẠI LÚA MÙA
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Sở NN&PTNT chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh tại huyện Phù Ninh

Trong thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật cùng các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ (lứa 5), đến nay hầu hết diện tích nhiễm sâu bệnh tới ngưỡng đã được phòng trừ, một số diện tích người dân phòng trừ quá sớm hoặc sử dụng không đúng thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo hoặc phun xong gặp trời mưa, hiệu lực phòng trừ thấp phải phun lại kéo dài đến 15/8 cũng đang được chỉ đạo, kiểm tra sát sao. Cũng qua kiểm tra thực tế đồng ruộng tại khu 2 - xã Tiên Du huyện Phù Ninh, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện một số diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại. Nhiều bà con nông dân nhầm lẫn đó là bệnh đạo ôn và đã sử dụng thuốc trừ bệnh đạo ôn ( Bệnh do nấm gây hại) để phòng trừ nên không có hiệu quả, dẫn đến bệnh càng phát triển lây lan nhanh và có nguy cơ gây hại trên diện rộng. Hiện nay trên trà lúa mùa sớm cây lúa đang giai đoạn ôm đòng và chuẩn bị trỗ bông, trà mùa trung giai đoạn làm đòng. Đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh hại. Để giúp bà con nông dân chủ động phòng trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại lúa mùa, chúng tôi xin giới thiệu về triệu chứng nhận biết và biện phòng trừ bệnh như sau:

Bệnh đốm sọc vi khuẩn do vi khuẩn Xanthomonas Oryzicola gây ra. Bệnh gây hại trên lá, vết bệnh là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc giữa các gân lá, lúc đầu vết bệnh xanh tái, dần dần chuyển màu nâu, tạo thành các sọc nâu hẹp, trên bề mặt vết bệnh xuất hiện những giọt dịch nhỏ, tròn, màu vàng đục sau đó khô lại thành những viên keo vi khuẩn trong như hạt trứng cá, dễ dàng rơi khỏi mặt lá và rơi xuống nước trên ruộng. Khi ruộng bị nặng thì toàn bộ ruộng lúa chuyển màu vàng cam sau chuyển màu vàng nâu và cây lúa bị chết gây thiệt hại lớn mà còn tồn dư mầm bệnh cho vụ sau.

Vi khuẩn được lan truyền qua hạt giống và xâm nhiễm vào cây qua lỗ khí khổng và vết thương cơ giới, phát triển trong nhu mô lá, bệnh lây lan nhanh nhờ gió và nước, đặc biệt là sau các trận mưa bão. Bệnh thường gây hại mạnh trên những diện tích lúa bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, các giống mẫn cảm, bộ lá to, xanh mướt. Là loại vi khuẩn hình gậy ngắn, chuyển động có lông roi ở một đầu. Phát triển mạnh ở điều kiện nóng ẩm, nhiệt độ cao, thích hợp nhất nhiệt độ từ 26 - 300 C, ẩm độ từ 80% trở lên.

Để phòng bệnh đốm sọc vi khuẩn bà con cần áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ, bón phân cân đối giữa đạm và kali, hạn chế bón thừa đạm. Khi phát hiện ruộng mới chớm bệnh, ngừng bón các loại phân nhất là phân đạm và các thuốc kích thích sinh trưởng, ruộng mực nước sâu thì tìm mọi cách tháo nước chỉ giữ mực nước trong ruộng xăm xắp 3 - 5 cm. Có thể dùng vôi bột 2,5 - 3 kg/sào rắc đều trên mặt lá lúa hạn chế bệnh lây lan. Sử dụng các loại thuốc Sasa 20WP, Xanthomix 20 WP, Starner 20 WP … Pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

      Qua việc kiểm tra và phát hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa mùa cũng như việc sử dụng thuốc BVTV của một số bà con nông dân tại xã Tiên Du huyện Phù Ninh. Chi cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi thấy bất kỳ loại sâu bệnh mới nào xuất hiện trên đồng ruộng cần kịp thời báo cơ quan chuyên môn xác định và cho ý kiến chỉ đạo phòng trừ để tránh việc sử dụng nhầm lẫn thuốc BVTV vừa gây lãng phí còn làm cho sâu bệnh tăng nặng dễ phát sinh thành dịch khó kiểm soát.

                                                                                   Phạm Văn Hiển

                                                                                 ( Chi cục BVTV)

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn