Thứ Sáu, 19/4/2024
NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH SÂU BỆNH VỤ MÙA NĂM 2010
Gửi bài In bài
Nhân dân huyện Tân Sơn triển khai cấy vụ mùa năm 2010

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu, vụ chiêm xuân 2009- 2010 sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Phú Thọ diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hạn hán xảy ra trên diện rộng. Nhiều đối tượng sâu bệnh hại luôn tiềm ẩn, phát sinh, phát triển và gây hại. Các nguồn bệnh nguy hiểm mới như: Bệnh vi rút lùn sọc đen trên lúa, ngô đã xuất hiện ở một số địa phương; Châu chấu hại tre mai luồng ở huyện Đoan Hùng tiếp tục gây hại. Giá cả vật tư phục vụ sản xuất và nguyên nhiên liệu phục vụ chống hạn tăng cao. Song được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và có  hiệu quả của các cấp các ngành; sự cố gắng của bà con nông dân đã tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sản xuất phát triển. Diện tích gieo cấy vụ chiêm xuân toàn tỉnh đạt 35.465,1 ha; Diện tích cây đậu tương đạt 1.748,8 ha. Các loại cây trồng khác hầu hết đạt chỉ tiêu và vượt kế hoạch đề ra. Cùng với việc chỉ đạo của các cấp các ngành khắc phục hạn hán đảm bảo diện tích gieo trồng, công tác Bảo vệ thực vật được trú trọng. Hầu hết diện tích nhiễm sâu bệnh đến ng­ưỡng đ­ược phòng trừ kịp thời. Tổng diện tích nhiễm sâu bệnh là 58.312,9 ha; Tổng diện tích phòng trừ là 30.965,4 ha, trong đó lúa 23.654,5 ha, đậu tương 671,4 ha, chè 5.640,3 ha, các cây trồng khác 999,2 ha. Tỷ lệ thiệt hại do sâu bệnh từ 0,9 - 1,5% năng suất đảm bảo mức an toàn cho phép và tương đương vụ chiêm xuân năm 2009.

Căn cứ vào nguồn sâu bệnh gây hại vụ chiêm xuân và quy luật phát sinh phát triển của các đối tượng. Chúng tôi có một số nhận định và cần chú ý các đối tượng sâu bệnh hại vụ mùa như sau:

     a)Trên lúa:

 Sâu cuốn lá nhỏ: Là đối tượng có khả năng gây hại nặng trong vụ mùa, có 2 lứa chính gây hại trong vụ: Lứa thứ nhất (Lứa 5): Trưởng thành ra rộ khoảng giữa tháng 7, sâu non gây hại từ cuối tháng 7 trở đi trên trà lúa mùa sớm giai đoạn đẻ nhánh, đồng thời tích luỹ và gây hại nặng ở lứa sau; Lứa thứ 2 (Lứa 6): Trưởng thành ra rộ khoảng giữa tháng 8, Sâu non gây hại từ cuối tháng 8 trở đi trên lúa mùa sớm giai đoạn giai đoạn làm đòng - trỗ, lúa mùa trung giai đoạn đứng cái - làm đòng. Quy mô gây hại lớn, mức độ hại từ trung bình đến nặng, đây là lứa cần quan tâm nhất trong vụ. Dự kiến diện tích cần phòng trừ trong cả vụ khoảng 15.000 ha

 Sâu đục thân bướm 2 chấm: Có 3 lứa gây hại trong vụ: Lứa thứ nhất (Lứa 3): Trưởng thành ra rộ khoảng giữa tháng 6, sâu non gây hại nhẹ trên mạ và lúa mùa sớm, đồng thời tích luỹ mật độ gây hại nặng ở lứa sau; Lứa thứ 2 (Lứa 4): Trưởng thành ra rộ khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8, sâu non gây hại trên trà lúa mùa sớm trỗ vào giữa tháng 8, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng đến rất nặng, đây là lứa sâu cần quan tâm nhất trong vụ; Lứa thứ 3 (Lứa 5): Trưởng thành ra rộ khoảng xung quanh giữa tháng 9, sâu non gây hại chủ yếu trên trà lúa mùa muộn, mức độ hại trung bình đến nặng trên các ruộng trỗ sau của trà muộn. Dự kiến diện tích cần phòng trừ trong cả vụ khoảng 2.000 ha

Rầy các loại: Có 2 lứa chính gây hại trong vụ: Lứa thứ nhất (Lứa 5): Rầy cám ra rộ khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 và gây hại nhẹ trên trà mùa sớm, tích luỹ mật độ gây hại ở lứa sau; Lứa thứ 2 (Lứa 6): Rầy cám ra rộ khoảng đầu tháng 9 và gây hại trên lúa mùa sớm giai đoạn trỗ - chín, lúa mùa trung giai đoạn đòng - trỗ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, ổ, đây là lứa gây hại chính trong vụ. Dự kiến diện tích cần phòng trừ trong cả vụ khoảng 3.000 ha.

 Chuột: Là đối tượng gây hại liên tục trên các trà lúa trong cả vụ, cần chú ý quan tâm trà cực sớm và cực muộn trên các chân ruộng ven làng, ven đồi gò, ven bờ mương,...

 Bệnh khô vằn: Phát triển trên diện rộng tất cả các trà, mức độ gây hại trung bình, cục bộ ổ nặng. Thời gian phát sinh, gây hại mạnh từ giữa tháng 8 tới cuối tháng 9 giai đoạn lúa làm đòng, trỗ, chín sáp, đặc biệt trên các ruộng thâm canh cao, ruộng dộc chua, ruộng cao hạn. Dự kiến diện tích cần phòng trừ trong cả vụ khoảng 10.000 ha.

 Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Là đối tượng dễ gây bùng phát đột biến theo điều kiện thời tiết, đề phòng nhiệt độ cao, có mưa bão lớn bệnh phát sinh gây hại nặng. Thời gian bệnh phát sinh, gây hại thường tập trung trong tháng 8, 9 trên lúa mùa sớm, mùa trung giai đoạn làm đòng - trỗ - chín. Dự kiến diện tích cần phòng trừ trong cả vụ khoảng 1.500 ha.

 Ngoài ra một số đối tượng: Bệnh vi rút lúa lùn sọc đen phát sinh gây hại cục bộ, cần chú ý trên những diện tích đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen vụ chiêm xuân. Bọ xít dài gây hại trên trà các trà lúa giai đoạn trỗ bông đến ngậm sữa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng trên các ruộng ven đồi rừng, ruộng trỗ cực sớm, cực muộn, các huyện miền núi cần chú ý đối tượng này đặc biệt là trên các giống lúa nếp, hương thơm …. Bệnh sinh lý phát triển gây hại đầu vụ trên các ruộng dộc chua, ruộng bón nhiều phân xanh chưa qua ủ, ... . Bệnh đen lép hạt gây hại cục bộ trên trà mùa sớm.

  b) Trên cây đậu tương: Cần chú ý theo dõi và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh sau:

 Sâu ăn lá (sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá): Sâu non gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng nếu không phòng trừ kịp thời.

 Sâu đục quả: Sâu non gây hại trên đậu tương giai đoạn quả non đến thu hoạch, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.

 Ngoài ra: Giòi đục thân, bọ xít xanh, bệnh gỉ sắt, bệnh đốm lá, bệnh lở cổ rễ, bệnh xoăn lá do vi rút gây hại nhẹ đến trung bình.

   c) Trên cây ngô:

 Bệnh gỉ sắt, đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, bệnh khô vằn: Gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng ruộng trồng dày, ruộng trũng, ruộng bón nhiều phân đạm thời kỳ ngô 7 - 8 lá và ngô thâm râu làm hạt.

Bệnh vi rút lùn sọc đen: Cần chú ý bệnh phát sinh trên những khu vực có diện tích ngô, lúa đã nhiễm bệnh trong vụ xuân.

 Rệp cờ: Hại chủ yếu tháng 11 giai đoạn ngô trỗ cờ, phun râu, trong thời tiết ấm và hạn, rệp bùng phát gây hại nặng.

 Chuột: Gây hại giai đoạn cây con và giai đoạn bắp non, mức độ hại trung bình, cục bộ ổ nặng. Ngoài ra còn có sâu đục thân, đục bắp gây hại trong tháng 11, 12.

 Để hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra trong vụ mùa này, các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân làm đất đúng kỹ thuật, gieo mạ, cấy đúng khung lịch thời vụ; chăm sóc, bón phân kịp thời và cân đối. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại để bảo vệ an toàn cho sản xuất.  

KS: Phạm Văn Hiển

Chi cục BVTV

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn