Thứ Sáu, 19/4/2024
Biện pháp IPM đối với bệnh thối gốc - lở cổ rễ trên rau vụ đông
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục BVTV kiểm tra tình hình sản xuất cây vụ đông tại thị xã Phú Thọ

Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai gieo trồng được trên 3.600 ha rau xanh các loại, chủ yếu là rau họ thập tự, rau họ bầu bí, đậu đỗ, cà chua,…Cây rau đang sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, trên đồng ruộng đã xuất hiện bệnh một số đối tượng sâu bệnh gây hại, trong đó có bệnh thối gốc - lở cổ rễ gây hại cây con mới trồng thuộc họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ) và họ bầu bí (bầu, bí, dưa các loại),... mức độ hại nhẹ đến trung bình, tỷ lệ hại phổ biến 0,4 - 1,7%, cao 3 - 5% .

Đây là bệnh phổ biến trên rau, thường hại nặng trên rau họ thập tự, họ bầu bí và cây đậu đỗ. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, gây hại nặng, có thể gây chết cây con hàng loạt, ảnh hưởng đến thời vụ trồng cũng như chi phí đầu tư sản xuất rau. Bệnh thường gây hại mạnh ở giai đoạn cây con từ khi mới trồng đến khi bén rễ hồi xanh và giai đoạn phát triển thân lá; hại nặng trên các giống nhiễm, trên ruộng trồng mật độ dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm và trên những ruộng thoát nước kém, độ ẩm đất cao.

Nguyên nhân gây bệnh thối gốc - lở cổ rễ là do nấm gây ra, nấm bệnh tồn tại ở trong đất, nước, nguồn cây giống và tàn dư cây trồng trên ruộng; lan truyền nhờ nước, gió và xâm nhiễm vào cây rau chủ yếu qua lỗ khí khổng, qua vết thương cơ giới. Vết bệnh ban đầu là những vết nứt dọc xuất hiện trên gốc cây con, về sau bệnh có thể xuất hiện trên lá, có hình đốm tròn màu nâu nhạt. Khi bệnh phát triển mạnh, các vết thối mục lan rộng và bao lấy thân phía trên mặt đất, làm cho cây bị héo và đổ, làm thân cây bị khô và hóa gỗ, mô cây chuyển màu đen. Cây bị bệnh rễ phát triển kém và chuyển màu thâm đen, thân còi cọc kém phát triển, lá chuyển màu vàng và rụng; cây bị hại nặng, phần rễ và thân thối mục và chết.

Để quản lý tốt bệnh thối gốc - lở cổ rễ cần áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), cụ thể: Chọn các giống kháng bệnh để trồng, lựa chọn cây giống sạch bệnh bằng cách mua cây giống tại các vườn ươm có uy tín lâu năm. Thực hiện luân canh với cây trồng khác họ để cắt đứt nguồn nấm bệnh trong đất. Thực hiện vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây trồng, xử lý đất trước khi trồng rau bằng vôi bột. Khi làm đất cần chú ý lên luống cao, tạo rãnh thoát nước tốt để duy trì độ ẩm đất phù hợp. Nên áp dụng biện pháp tưới rãnh cho rau, hạn chế tưới trực tiếp lên cây để hạn chế nguồn nấm bệnh xâm nhiễm qua nước tưới. Bón phân cân đối, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đối với từng loại rau, không bón thừa đạm. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời. Khi phát hiện bệnh, cần giảm độ ẩm đất trên ruộng rau, tạm dừng bón các loại phân bón hóa học và thuốc kích thích sinh trưởng, nhổ bỏ và đem tiêu hủy những cây bị bệnh nặng để tránh lây lan trên ruộng rau; sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu để phun phòng trừ ví dụ như: Validacin 5L, Anvil 5 SC, Dibazole 5SC, Starone 20WP, … pha và phun theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì, lưu ý đảm bảo thời gian cách ly. Sau phun thuốc cần thu gom vỏ bao bì đưa vào bể chứa đúng nơi quy định để đảm bảo vệ sinh  môi trường./.

Trần Quỳnh Nga

Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn